Gà là loại động vật rất mẫn cảm với sự thay đổi của môi trường nên việc quản lý cần hết sức thận trọng. Khi chênh lệch nhiệt độ trong ngày cao, thông thoáng khí không phù hợp –> các loại khí gây hại như ammoniac, hydro sulfua, carbon monoxide tăng, bụi bẩn mang theo vi khuẩn và tác nhân gây bệnh. Khi gặp những điều kiện bất lợi như vậy gà sẽ bị stress dễ mắc các bệnh hô hấp.
Việc thông thoáng khí chuồng trại sẽ giúp đẩy bụi, tác nhân gây bệnh ra môi trường bên ngoài. Oxy sẽ được thay mới và loại bỏ được các khí như CO2 , CO, NH3 , H2S giúp đảm bảo sức khỏe cho gà.
Thông thường nồng độ khí gas trong chuồng trại sẽ lên mức cao nhất vào buổi sáng, sau đó giảm dần đến trưa. Cần cung cấp lượng không khí nhất định cho trại để giảm lượng khí gây độc. Khi nhiệt độ trong ngày chênh lệch cao thì cần chú ý thực hiện vacxin ngừa các bệnh hô hấp, E.coli và bệnh do vi khuẩn.
Bổ sung chất dinh dưỡng vào cám (vitamin và khoáng chất): Khi nhiệt độ xung quanh và bên ngoài tăng cao sẽ khiến thân nhiệt tăng nhanh –> năng lượng duy trì cho sự phát triển cơ thể giảm. Lượng cám ăn vào giảm cũng khiến lượng protein gà hấp thụ cũng giảm theo ảnh hưởng tới trọng lượng trứng. Chính vì vậy cần bổ sung thêm vitamin và khoáng chất để tăng cường dinh dưỡng trong trại. Bổ sung thêm dinh dưỡng giúp hạn chế stress trên gà, cải thiện chất lượng vỏ trứng.
Quản lý nhiệt độ và độ ẩm trong trại: Nhiệt độ chuồng trại thích hợp với gà đẻ là từ 13- 260C. Tuy nhiên, để tối ưu chi phí cám thì nhiệt độ chuồng trại thích hợp nhất cho gà là từ 23-26 0C. Nhiệt độ và mật độ nuôi quá cao cũng sẽ khiến số lượng vi khuẩn gây bệnh tăng cao. Độ ẩm chuồng trại quá cao cũng khiến thời gian tồn tại của vi khuẩn kéo dài. Độ ẩm quá thấp khiến chuồng trại nhiều bụi khiến tốc độ lan truyền vi khuẩn nhanh. Độ ẩm chuồng trại nên duy trì ở mức từ 60-70%.
Quản lý tình trạng dịch bệnh: khi gặp điều kiện thuận lợi thì các vi khuẩn gây bệnh sẽ gia tăng. Khi thông thoáng khí không phù hợp thì bụi gia tăng mang theo vi khuẩn, virus. Đặc biệt, các loại bệnh hô hấp do virus như ND, IB, ILT kết hợp với các loại bệnh do vi khuẩn sẽ khiến thiệt hại về kinh tế, năng suất sẽ rất cao. Việc vệ sinh và sát trùng chuồng trại kỹ cũng giúp giảm các nguyên nhân gây bệnh. Trước khi vệ sinh, tiêu độc cần làm sạch bụi và các chất hữu cơ trước thì hiệu quả sát trùng sẽ được nâng cao.
Nguồn: channuoigiacam.com