Tỉ lệ ấp nở thấp đẫn đến thiệt hại đáng kể cho lợi nhuận và doanh thu đối với một cơ sở chăn nuôi gà giống hướng thịt. Chất lượng vỏ trứng kém và trứng bị ô nhiễm mầm bệnh thường là những yếu tố góp phần vào vấn đề này. Vì vậy, việc hiểu rõ những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng vỏ trứng và phương pháp cải thiện hiệu quả số lượng trứng có thể ấp nở và giảm thiểu số lượng gà con bị chết do chất lượng vỏ trứng thấp là rất quan trọng.
- Vỏ trứng: Chúng ta biết gì về nó?
Vỏ trứng bảo vệ và hỗ trợ cho các cấu trúc mềm bên trong. Vỏ trứng có tính bán thấm đối với không khí và nước và giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn. 94-95% vật chất khô của vỏ trứng là canxi carbon (CaCO3 ) và nặng khoảng 5.5-6.0 g (0.19-0.21 oz) (Mongin, 1978). Vỏ trứng chất lượng tốt của gà giống hướng thịt có đến 2-2,2 g (0,07-0,08 oz) canxi dưới dạng tinh thể CaCO3 . Một vỏ trứng thông thường chứa khoảng 0,3% phốt-pho; 0,3% magiê và lượng vết của natri, kali, kẽm, mangan, sắt và đồng. Phần còn lại của vỏ trứng tạo thành từ chất nền hữu cơ có các cấu trúc liên kết canxi và sự sắp xếp của vật chất này trong quá trình tổng hợp vỏ trứng đóng vai trò tiên quyết đối với sức bền của vỏ trứng. Sức bền vỏ trứng còn bị ảnh hưởng bởi khối lượng vỏ, liên quan đến kích thước, hình dáng và độ dày của quả trứng.
- Lớp biểu bì
Phần ngoài cùng của vỏ trúng là lớp biểu bì (Hình 1). Lớp biểu bì là một lớp màng bao bọc mỏng, không vôi hóa, không thấm nước cấu tạo chủ yếu từ glycoprotein. Nó làm cho vỏ không thấm nước và bịt kín các lỗ trên vỏ để ngăn bụi và vi khuẩn, nhưng đóng vai trò điều chỉnh độ ẩm và trao đổi khí trong quá trình ấp và ngăn ngừa việc phôi bị mất ẩm.
Khi trứng được đẻ ra, lớp biểu bì chưa hoàn toàn ổn định; nó dường như bị ẩm trong 2-3 phút khi quan sát dưới kính hiển vi, và sẽ có bề ngoài xốp, có nhiều lỗ hở. Sau đó, nó sẽ cứng lại, tạo thành một bề mặt mịn hơn. Cho đến khi lớp biểu bì hoàn thiện, nó sẽ không bảo vệ các lỗ khí trên vỏ trước sự xâm nhập của vi khuẩn. Nếu trứng được đặt trên bề mặt bẩn, vi khuẩn gần như chắc chắn sẽ xâm nhập vào vỏ trứng và gây ô nhiễm thành phần bên trong trứng và tác động tiêu cực đến sự phát triển của phôi.
- Trứng nứt vỡ
Rõ ràng là khi có một ngoại lực tác động vượt quá mức chịu lực, trứng sẽ bị vỡ. Trứng có thể bị vỡ hoàn toàn (khi cả vỏ trứng và màng vỏ bị vỡ) hoặc bị nứt (khi phần vỏ bị nứt và phần màng vẫn còn liên kết). Những quả trứng bị nứt bề hoàn toàn không thể sử dụng để ấp nở, vì có nguy cơ cao phôi bị mất độ ẩm nghiêm trọng và nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, những quả trứng nứt nhẹ thường ít bị phát hiện bằng mắt thường, và có thể bị vô tình đem ấp. Ngoài ra còn có các vấn đề về chất lượng bên ngoài trứng liên quan đến các khiếm khuyết khác của vỏ mà không nhất thiết gây ra vỡ trứng. Chúng bao gồm vỏ xù xì , trứng dị hình, có rãnh hay gờ vòng xung quanh trứng , trứng không có vỏ và trứng đẻ rơi trên nền bẩn. Những điều này thường ít xảy ra so với những vấn đề liên quan đến độ bền của vỏ, tuy nhiên, có thể làm tăng nguy cơ nhiễm bẩn hoặc làm giảm khả năng ấp nở.
- Các vấn đề với chất lượng vỏ trứng thấp.
Barnett và cộng sự, (2004) đã tiến hành nghiên cứu để xác định xem gà con từ trứng có vết nứt nhỏ có nở và phát triển bình thường hay không so với những con có vỏ không bị hư hại. Họ phát hiện ra rằng trứng có vết nứt nhỏ dẫn đến tỷ lệ nở của trứng đã thụ tinh kém hơn đáng kể, giảm trọng lượng trứng nhiều hơn và tỷ lệ chết phôi cao hơn. Trong một nghiên cứu khác sử dụng trọng lượng riêng như một yếu tố quyết định độ dày của vỏ trứng, Roque và Soares (1994), đã phát hiện ra rằng trứng có vỏ dày (trọng lượng riêng 1.080) cho thấy khả năng nở cao và tỷ lệ chết phôi ở thời điểm giữa và cuối giai đoạn ấp trứng thấp hơn.
- Những yếu tố nào ảnh hưởng đến chất lượng vỏ trứng?
Các yếu tố dinh dưỡng /không dinh dưỡng ảnh hưởng đến chất lượng vỏ trứng của gà giống hướng thịt bao gồm:
- Khoảng thời gian trứng nằm ở tuyến tạo vỏ trong quá trình hình thành vỏ.
- Lượng canxi trữ trong tuyến tạo vỏ.
- Thời gian trứng được đẻ ra trong ngày
- Tuổi của gà mái, độ dày giảm xuống khi độ tuổi gà mái và kích thước quả trứng tăng lên.
- Các mầm bệnh truyền nhiễm và yếu tố ô nhiễm (viêm phế quản truyền nhiễm, bệnh Niu Cát-xơn, Mycoplasma, hội chứng giảm đẻ, độc tố nấm mốc T-2 và HT-2; kháng sinh nhóm sulphonamide, chất diệt sâu bọ clo hữu cơ).
- Suy giảm/Dư thừa dinh dưỡng
- Uống nước muối
- Thời gian cho ăn
- Những yếu tố khác – giống gà, mô hình chuồng trại-chăn nuôi, môi trường (nhiệt độ, ánh sáng, lượng và chất lượng nước), stress, thực hành quản lý (bao gồm độ đồng đều của đàn gà và thao tác thu gom trứng).
Theo thepoultrysite