Nội dung
Do biến đổi khí hậu trên toàn thế giới, những ngày nắng nóng ngày càng trở nên nóng hơn và xảy ra thường xuyên hơn, trong khi số ngày lạnh đo được ít hơn. Nắng nóng kéo dài gây ra stress nhiệt cho vật nuôi. Stress nhiệt gây hậu quả bất lợi đối với tăng trưởng và sản xuất , dẫn đến thiệt hại kinh tế đáng kể. Ví dụ, ở Hoa Kỳ, stress nhiệt trong ngành chăn nuôi gia cầm dẫn đến tổng thiệt hại kinh tế hàng năm ước tính khoảng 128 đến 165 triệu USD.
1. Stress nhiệt là gì?
Gia cầm là động vật biến nhiệt, có nghĩa là chúng có thể duy trì nhiệt độ cơ thể không đổi (khoảng 41 °C) trong một số giới hạn nhất định. Tuy nhiên, gia cầm rất nhạy cảm với nhiệt độ môi trường cao do hoạt động trao đổi chất cao, độ che phủ của lông và không có tuyến mồ hôi. Khi gia cầm phải chịu nhiệt độ môi trường cao, đặc biệt là kết hợp với độ ẩm tương đối cao và tốc độ không khí thấp, chúng sẽ bị stress nhiệt. Stress nhiệt xảy ra khi mất cân bằng giữa sinh nhiệt và mất nhiệt của cơ thể.
Gia cầm có thể duy trì nhiệt độ cơ thể không đổi trong vùng nhiệt trung tính (A) của chúng , là phạm vi giữa nhiệt độ tới hạn dưới và trên (LCT và UCT). Khi nhiệt độ môi trường vượt quá UCT, gia cầm sẽ phải tích cực giảm nhiệt bằng cách thở hổn hển, đầu tiên là từ từ (B) và sau đó nhanh hơn (C) khi nhiệt độ tăng lên, điều này ảnh hưởng đến sức khỏe của gia cầm. Khi nhiệt độ môi trường vượt quá ngưỡng mất nhiệt tối đa (MAX), gia cầm không kiểm soát được thân nhiệt và chết là điều tất yếu (D).
2. Gia cầm đối phó với stress nhiệt như thế nào?
2.1. Tăng mất nhiệt
Bức xạ, đối lưu và dẫn nhiệt là ba cơ chế mất nhiệt hợp lý mà gia cầm phải sử dụng để duy trì nhiệt độ cơ thể không đổi.
Bức xạ: Sóng điện từ truyền nhiệt cơ thể trong không khí tới các vật thể lạnh hơn. Sự khác biệt về nhiệt độ càng cao thì nhiệt lượng bị mất đi từ bề mặt cơ thể càng nhiều.
Đối lưu: Nhiệt từ các bộ phận cơ thể như mồng, tích và cánh bị mất một cách tự nhiên vào không khí xung quanh mát hơn. Để tăng sự mất nhiệt thông qua đối lưu, các loài gia cầm tăng diện tích bề mặt tiếp xúc của chúng bằng cách nhấc và dang rộng cánh và mở rộng mạch máu (giãn mạch). Màu của các bộ phận trên cơ thể như mồng và tích trở nên đậm hơn. Lưu lượng không khí đầy đủ là điều cần thiết để đạt được sự mất nhiệt hiệu quả thông qua đối lưu.
Dẫn nhiệt: Nhiệt được truyền từ cơ thể sang bề mặt mát hơn khi cả hai tiếp xúc trực tiếp. Ví dụ, chân gia cầm được tiếp xúc với nền tưới nước mát.
Một khi nhiệt độ môi trường tăng đến mức vượt quá nhiệt độ tới hạn trên, cơ chế mất nhiệt trở nên không hiệu quả và gia cầm chủ động mất nhiệt bằng cách thở hổn hển. Thở hổn hển là thở nông bằng miệng, cho phép mất nhiệt do bay hơi nước từ miệng và đường hô hấp và là phương pháp mất nhiệt chính ở những nhiệt độ cao này. Tuy nhiên, một điều kiện để điều này có hiệu quả là độ ẩm trong không khí không quá cao.
2.2. Giảm sinh nhiệt
Bên cạnh việc mất nhiệt, gia cầm cũng sẽ giảm sản xuất nhiệt cơ thể của chính nó. Nhiệt độ cơ thể được tạo ra bởi các quá trình như duy trì, tăng trưởng, hoạt động cơ bắp và sản xuất thịt/trứng. Lượng nhiệt sinh ra trong cơ thể gà bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như tuổi tác, giống, giới tính và hoạt động thể chất. Để giảm sinh nhiệt, gia cầm sẽ tích cực giảm quá trình trao đổi chất và lượng thức ăn ăn vào dẫn đến giảm tăng trọng và giảm sản lượng thịt/trứng. Ngoài ra, những con vật trở nên ít hoạt động hơn và tránh xa những con khác.
Trên đây là các cơ chế chủ động giúp gia cầm đối phó với stress nhiệt. Ngoài ra các bạn có thể tìm thêm thông tin chi tiết trong bài viết của tôi về 10 dấu hiệu nhận biết gà bị stress nhiệt.
Biên dịch : Team Globalvet – Nguồn : nutrex.eu