Đặc điểm của bệnh thiếu vitamin A là phát triển chậm, yếu, rối loạn vận động, xù lông, giảm đẻ, tỷ lệ nở của phôi thấp, tổn thương ở đường tiêu hoá gây tiêu chảy và tổn thương ở niêm mạc gây mù mắt.
1. NGUYÊN NHÂN
Do khẩu phần ăn thiếu vitamin A.
Có tác nhân gây oxy hoá vitamin A trong thức ăn làm mất tác dụng của vitamin A.
Nhầm lấn trong khi trộn thức ăn và trộn không đồng đều.
Có những bệnh xen kẽ như cầu trùng và giun sán làm giảm khả năng hấp thu vitamin A.
2. TRIỆU CHỨNG
Triệu chứng thiếu hụt vitamin A ở gà phụ thuộc vào hàm lượng vitamin A có trong thức ăn và thời gian cho ăn những thức ăn thiếu vitamin A.
Ở gà con: Triệu chứng xuất hiện trong vòng 2-3 tuần tuổi. Đặc biệt ở gà con nở từ trứng của gà mẹ được nuôi dưỡng thiếu vitamin A.
- Gà con chảy nước mắt do màng kết mạc bị viêm, chất đậu tập trung ở túi kết mạc.
- Sau đó gà bị mù do biểu mô giác mạc bị sừng hoá.
- Mũi chảy nước do niêm mạc đường hô hấp bị viêm.
- Gà chậm lớn, đi lại run rẩy.
- Lông xù xơ xác, da chân, mỏ nhợt nhạt, mào khô hoặc teo quắt lại.
- Triệu chứng thần kinh đôi khi xuất hiện, biểu hiện đi lại thất thểu hoặc bại liệt.
Ở gà đẻ:
- Giảm đẻ, tỷ lệ thấp.
- Trong trứng có những điểm máu và lông đỏ nhợt nhạt.
- Kết mạc và giác mạc khô.
- Chân, da, mào, tích nhợt nhạt và khô.
3. BỆNH TÍCH
Mổ khám bệnh tích thấy:
- Biểu mô họng bị kitin hoá và có mụn màu trắng trong miệng, hầu, thực quản.
- Thận nhợt nhạt, các ống thận nhỏ và bể thận chứa đầy urat trắng.
- Tim có hiện tượng phù to vùng tâm thất.
- Mề giãn to và nhão.
- Diều, ruột bị viêm Cata.
- Túi Fabricius dãn to do tích đầy urat hoặc chất ngoại xuất nhầy trắng.
- Trong phủ tạng có thể có chất urat trắng bao phủ trên bề mặt như rắc bột.
4. CHẨN ĐOÁN
Căn cứ theo triệu chứng lâm sàng trên.
Định lượng vitamin A trong thức ăn.
Định lượng vitamin A trong huyết thanh(mức bình thường của gà khoẻ là 100-150UI/ml máu. Nếu dưới mức độ đó là thiếu).
Dùng vitamin A điều trị để chẩn đoán.
5. PHÒNG VÀ TRỊ BỆNH
Phòng bệnh
Bổ sung vitamin A trong khẩu phần ăn theo định lượng:
- Gà con: 9.000-15.000UI/kg TĂ.
- Gà giò: 7.500-10.000UI/kg TĂ.
- Gà đẻ: 10.000-15.000UI/kgTĂ.
Hoặc tính theo con mỗi ngày cần từ 10-20UI.
- Trên thị trường có những loại premix có chứa vitamin A, D, E dùng pha nước uống hay trộn thức ăn thường xuyên để phòng bệnh như sau:
- PRODUCTIVE AD3E thành phần gồm vitamin A, D3, E liều với liều 1ml/2-10l nước uống, mỗi liệu trình 5-7 ngày
- AMILYTE thành phần gồm: vitamin A, D3, K3, E, B2, B12,B3, B5, … Liều dùng pha 2g/lít nước uống.
- PRODUCTIVE FORTE thành phần gồm: vitamin A, D3, E, PP, B1, B6. Liều dùng tiêm bắp cho gà, vịt đẻ liều 0,5cc/con/tháng. Hoặc pha nước uống cho gà con và gà giò 1cc/lít nước.
- VITROLYTE thành phần gồm: vitamin A, D3, E, K3, B12, Biotin, B3, B2, B5, B6, B1, …..Liều dùng pha nước uống 2-3G/Lit nước
Trị bệnh
- Dùng liều phòng bệnh tăng gấp 2-3 lần, liên tục trong 3-5 ngày.
Lưu ý: Khi dùng quá liều vitamin A, gà có biểu hiện triệu chứng mệt mỏi, đờ đẫn, bỏ ăn. Nếu kéo dài sẽ giảm tăng trọng vì: Vitamin A dư làm cho gan bị phù, nổi gai nên tiêu hoá kém. Khi gà biểu hiện mệt mỏi, kém ăn phải ngừng dùng vitamin A ngay lập tức. Trong thực tế nhiều người nuôi gà đẻ dùng Premix có vitamin A trộn vào thức ăn hay pha nước uống. Sau đó lại tiêm thêm vitamin ADE thì thấy gà bỏ ăn. Lý do là thừa vitamin A.