Lượng thịt nhập khẩu lớn
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi trong nước đạt 440 triệu USD, tăng 4% so cùng kỳ năm trước đó, nhưng nhập khẩu mặt hàng này lại trên 3,4 triệu USD, khiến ngành hàng chăn nuôi nhập siêu lên tới gần 3 tỷ USD.
Cũng theo Bộ NN&PTNT, ở nhóm sản phẩm thịt, năm 2021, về sản lượng, nước ta xuất khẩu được khoảng 18.000 tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá hơn 72 triệu USD. Tuy nhiên, tính về trị giá, nhập khẩu thịt vẫn cao gấp khoảng 20 lần so xuất khẩu thịt.
Vậy nên, so với mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt giá trị vượt 1 tỷ USD thì con số này vẫn còn cách cả một quãng xa. Bởi số lượng nhập khẩu thịt của những tháng đầu năm 2022 dù giảm đáng kể so cùng kỳ năm ngoái nhưng cũng vẫn rất lớn.
Theo số liệu thống kê của Hải quan, 7 tháng đầu năm 2022, ngành hàng chăn nuôi của Việt Nam tiếp tục nhập siêu. Trong đó, nước ta đã phải chi ra số tiền 774,3 triệu USD nhập khẩu mặt hàng thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật. So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị nhập khẩu thịt đã giảm 11,6%, nhưng vẫn không hề nhỏ bởi thời điểm này đàn gia súc, gia cầm trong nước phát triển khá ổn định và tăng so thời điểm này năm trước.
Từ đầu năm 2022 đến nay, nhập khẩu thịt của nước ta giảm nhưng vẫn ở mức cao. Ảnh: Supermarketnews
Số lượng thịt này được Việt Nam nhập khẩu từ 47 thị trường trên thế giới. Trong đó, chiếm ưu thế lớn nhất là Ấn Ðộ với 79.700 tấn, trị giá 250,97 triệu USD; tăng 20,9% về lượng và 17,8% về trị giá so cùng kỳ năm 2021. Các chủng loại thịt và sản phẩm thịt được nhập khẩu từ thị trường này gồm thịt trâu, đùi gà, thịt gà, thịt bò…
Trong khi nhiều mặt hàng thịt khác nhập khẩu tăng lên thì số lượng thịt heo nhập khẩu giảm rất mạnh. Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 45.180 tấn thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 95,92 triệu USD, giảm 44,1% về lượng và giảm 48,7% về trị giá so cùng kỳ năm 2021; Giá nhập khẩu trung bình đạt 2.123 USD/tấn, giảm 8,3%. Số lượng thịt này được nhập khẩu từ 22 thị trường, trong đó Brazil chiếm 35,1%; Nga 25,7% và Ðức 16,6%… Ðiều này hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế khi đàn heo nuôi trong nước đang tiến về mốc trước khi xảy ra Dịch tả heo châu Phi (ASF).
Vẫn là sự chênh lệch
Trái ngược lại với nhập khẩu, tình hình xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt thời gian qua cũng không quá khả quan. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 8.590 tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 34,69 triệu USD, giảm 9,4% về lượng và giảm 1,9% về trị giá so cùng kỳ năm 2021. Sản phẩm xuất khẩu gồm thịt heo tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu sang 25 thị trường. Trong đó, lớn nhất là thị trường Hồng Kông với 3.440 tấn, trị giá 17,71 triệu USD, giảm 42% về lượng và 29,5%.
Cùng với sự đối lập trong xuất – nhập thì chênh lệch giá cũng rất đáng chú ý. Ví dụ đơn giản nhất với thịt heo. Theo khảo sát trên thị trường thì sườn cánh buồm nhập khẩu từ Nga giá chỉ hơn 70.000 đồng/kg với khách sỉ và chưa đến 100.000 đồng/kg đối với khách mua lẻ; Thịt ba chỉ nhập khẩu giá dao động 80.000 – 100.000 đồng/kg (tùy số lượng).
Ðồ họa: Nguyễn Hùng
Tuy nhiên, với thịt heo nội thì trong tháng 7 vừa qua, thịt heo hơi đã bật tăng trở lại. Tại khu vực miền Bắc, giá heo hơi dao động 69.000 – 73.000 đồng/kg, khu vực miền Trung, Tây Nguyên giá 66.000 – 73.000 đồng/kg. Còn tại miền Nam, giá heo hơi biến động 65.000 – 72.000 đồng/kg; Mức tăng trung bình trên 10.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tăng mạnh như vậy đã đẩy giá bán thịt heo ngoài thị trường lên mức 130.000 – 160.000 đồng/kg. Từ đầu năm đến nay, giá thịt heo hơi đã tăng hơn 30%, mức tăng mạnh nhất kể từ khi ASF được kiểm soát.
Tương tự, giá mặt hàng thịt bò nhập khẩu cũng khá mềm so với giá thị bò nội. Chẳng hạn, giá bắp bò Ðan Mạch và Úc chỉ 125.000 – 140.000 đồng/kg, lõi thăn bò Úc 110.000 – 115.000 đồng/kg, dẻ sườn bò giá dưới 100.000 đồng/kg… thấp hơn rất nhiều so với các sản phẩm tương tự của thịt bò trong nước.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, sở dĩ giá heo hơi tăng là do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và do ASF gây thiệt hại ở một số địa phương nên nguồn cung giảm…
Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có ý kiến yêu cầu thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nguồn cung thịt heo, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá. Cùng đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu làm rõ những bất cập, hạn chế (nếu có) đề xuất giải pháp khắc phục đảm bảo giảm thiểu các khâu trung gian đẩy chi phí lưu thông, tăng giá bán, tiến tới hoàn thiện hệ thống phân phối, bán buôn bán lẻ tinh gọn hiệu quả, có chi phí lưu thông hợp lý trong cơ cấu giá bán hàng…
Từ trước đến nay, giá thành chăn nuôi của nước ta vẫn luôn cao hơn so nhiều nước trên thế giới. Nguyên nhân được cho là do phần lớn nguyên liệu đầu vào cho chăn nuôi phụ thuộc nhập khẩu. Lần này cũng không ngoại lệ. Vậy nên, bài toán giá thành và sự chênh lệch này dường như vẫn rất khó để có được lời giải.
Nguồn: Người chăn nuôi