Mặt hàng lúa mỳ:
Theo báo cáo mới nhất của USDA, dự báo về sản lượng lúa mì toàn cầu niên vụ 2022/23 đạt 782,7 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với dự báo trước và tăng 3 triệu tấn so với niên vụ 2021/22. Trong đó, Trung Quốc vượt EU trở thành nước có sản lượng lúa mỳ cao nhất thế giới, đạt 138 triệu tấn, tương đương với dự báo trước và tăng 1,1 triệu tấn so với niên vụ trước.
EU là khu vực có sản lượng lúa mỳ cao thứ 2 thế giới, đạt 134,3 triệu tấn, giảm 0,5 triệu tấn so với dự báo trước và giảm 4 triệu tấn so với niên vụ trước. Tiếp theo là sản lượng của Ấn Độ đạt 103 triệu tấn, giảm 6,6 triệu tấn so với niên vụ trước; Ucraina giảm 12,5 triệu tấn so với niên vụ trước, đạt 20,5 triệu tấn…
Sản lượng lúa mỳ của một số nước tăng mạnh trong niên vụ 2022/23 như: Sản lượng của Canada đạt 35 triệu tấn, tăng 13,3 triệu tấn; Nga đạt 91 triệu tấn, tăng 15,8 triệu tấn; Mỹ đạt 44,9 triệu tấn, tăng 0,1 triệu tấn so với niên vụ trước…
Thương mại lúa mỳ toàn cầu trong niên vụ 2022/23 dự kiến đạt 206,6 triệu tấn, giảm 1,1 triệu tấn so với dự báo trước nhưng tăng 1,5 triệu tấn so với niên vụ 2021/22.
Trong đó, lượng lúa mỳ xuất khẩu của một số khu vực tăng so với niên vụ trước như: EU đạt 35 triệu tấn, tăng 3,1 triệu tấn; Canada đạt 26 triệu tấn, tăng 11 triệu tấn; Nga đạt 42 triệu tấn, tăng 9 triệu tấn và Australia đạt 27 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với niên vụ trước.
Lượng xuất khẩu lúa mỳ của một số nước giảm so với niên vụ trước như: Achentina giảm 7,7 triệu tấn, đạt 10 triệu tấn; Ucraina giảm 7,6 triệu tấn, đạt 11 triệu tấn; Ấn Độ đạt 3 triệu tấn, giảm 7,6 triệu tấn…
Về nhập khẩu, Ai Cập là nước nhập khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, dự kiến đạt 11 triệu tấn trong niên vụ 2022/23, giảm 0,5 triệu tấn so với niên vụ trước; Tiếp đến là Indonesia đạt 10,7 triệu tấn, tương đương với niên vụ trước; Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu 10 triệu tấn, tăng 0,45 triệu tấn; Trung Quốc nhập khẩu 9,5 triệu tấn, giảm nhẹ so với niên vụ trước…
USDA dự báo tiêu thụ lúa mì toàn cầu niên vụ 2022/23 đạt 791,2 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với dự báo trước nhưng giảm 2,6 triệu tấn so với niên vụ trước. Cụ thể: Tiêu thụ lúa mỳ của EU đạt 109,3 triệu tấn, giảm 0,4 triệu tấn so với dự báo trước nhưng tăng 1 triệu tấn so với niên vụ 2021/22; Tiêu thụ của Ấn Độ đạt 104,5 triệu tấn, giảm 5,9 triệu tấn so với niên vụ trước; Tiêu thụ của Mỹ đạt 29,7 triệu tấn, giảm 0,7 triệu tấn so với niên vụ trước. Bên cạnh đó, tiêu thụ lúa mỳ của Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ lúa mỳ lớn nhất thế giới giảm 4 triệu tấn trong niên vụ 2022/23, xuống còn 144 triệu tấn.
Tồn kho lúa mì toàn cầu trong niên vụ 2022/23 dự kiến đạt 267,8 triệu tấn, tăng 0,3 triệu tấn so với dự báo trước và tăng 0,5 triệu tấn so với niên vụ 2021/22. Trong đó, tồn kho lúa mì tại Trung Quốc dự kiến đạt 144,4 triệu tấn, tăng 2,6 triệu tấn so với niên vụ trước.
Tồn kho lúa mì của Mỹ trong niên vụ 2022/23 cũng giảm xuống mức 15,5 triệu tấn, giảm 2,7 triệu tấn so với niên vụ trước. Tồn kho lúa mỳ của Ấn Độ đạt 12 triệu tấn, giảm 7,5 triệu tấn so với niên vụ trước.
Mặt hàng ngô:
Theo báo cáo mới nhất của USDA, dự báo về sản lượng ngô toàn cầu niên vụ 2022/23 đạt 1,17 tỷ tấn, tương đương với dự báo trước nhưng giảm so với 1,22 tỷ tấn của niên vụ 2021/22. Trong đó, sản lượng ngô của Mỹ cao nhất thế giới, đạt 353,8 triệu tấn, tăng 0,8 triệu tấn so với dự báo trước nhưng giảm 29 triệu tấn so với niên vụ trước.
Trung Quốc là khu vực có sản lượng ngô cao đứng thứ 2 thế giới, đạt 274 triệu tấn, tương đương với dự báo trước và tăng 1,4 triệu tấn so với niên vụ trước. Tiếp theo là sản lượng của Braxin đạt 126 triệu tấn, tăng 10 triệu tấn so với niên vụ trước; Achentina tăng 3,5 triệu tấn so với niên vụ trước, đạt 55 triệu tấn…
Thương mại ngô toàn cầu trong niên vụ 2022/23 dự kiến đạt 183,5 triệu tấn, giảm 1,3 triệu tấn so với dự báo trước và giảm 9,5 triệu tấn so với niên vụ 2021/22.
Trong đó, lượng ngô xuất khẩu của một số khu vực tăng so với niên vụ trước như: Braxin đạt 46,5 triệu tấn, tăng 14,1 triệu tấn; Achentina đạt 40 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn so với niên vụ trước…
Lượng xuất khẩu ngô của một số nước giảm mạnh so với niên vụ trước như: Mỹ giảm 6 triệu tấn, đạt 57 triệu tấn; Ucraina giảm 11,5 triệu tấn, đạt 15,5 triệu tấn; EU đạt 2,7 triệu tấn, giảm 3,3 triệu tấn…
Về nhập khẩu, EU vượt Trung Quốc là nước nhập khẩu ngô lớn nhất thế giới, dự kiến đạt 20 triệu tấn trong niên vụ 2022/23, tương đương với niên vụ trước; Tiếp đến là Trung Quốc đạt 18 triệu tấn, giảm 3,9 triệu tấn so với niên vụ trước; Mêhicô nhập khẩu 17,7 triệu tấn, tăng 0,1 triệu tấn; Nhật Bản nhập khẩu 15 triệu tấn, tương đương với niên vụ trước…
USDA dự báo tiêu thụ ngô toàn cầu niên vụ 2022/23 đạt 1,18 tỷ tấn, tăng nhẹ so với dự báo trước nhưng giảm so với 1,2 tỷ tấn so với niên vụ trước. Cụ thể: Tiêu thụ ngô của Mỹ đạt 305,4 triệu tấn, tăng 0,6 triệu tấn so với dự báo trước nhưng giảm 11,7 triệu tấn so với niên vụ 2021/22; Tiêu thụ ngô của Trung Quốc đạt 295 triệu tấn, tăng 4 triệu tấn so với niên vụ trước; Tiêu thụ của Braxin đạt 77 triệu tấn, tăng 4 triệu tấn so với niên vụ trước…
Tồn kho ngô toàn cầu trong niên vụ 2022/23 dự kiến đạt 300,8 triệu tấn, giảm 0,3 triệu tấn so với dự báo trước nhưng tăng 6,9 triệu tấn so với niên vụ 2021/22. Trong đó, tồn kho ngô tại Trung Quốc dự kiến đạt 206,1 triệu tấn, giảm 3 triệu tấn so với niên vụ trước. Tồn kho ngô của Mỹ trong niên vụ 2022/23 cũng giảm xuống mức 30 triệu tấn, giảm 5 triệu tấn so với niên vụ trước. Tồn kho ngô của Ucraina đạt 9,9 triệu tấn, tăng 5,3 triệu tấn so với niên vụ trƣớc.
Xuất khẩu ngũ cốc Ucraina giảm 31,7%:
Theo Bộ Nông nghiệp Ucraina, lượng xuất khẩu ngũ cốc của nước này đạt gần 16,2 triệu tấn trong vụ mùa 2022/23 cho đến nay, giảm 31,7% so với 23,8 triệu tấn xuất khẩu cùng kỳ vụ mùa trước. Trong đó, lượng xuất khẩu gồm gần 6,3 triệu tấn lúa mì; 8,6 triệu tấn ngô và 1,3 triệu tấn đại mạch.
Chính phủ Ucraina dự kiến có thể thu hoạch từ 50 – 52 triệu tấn ngũ cốc trong năm 2022, giảm so với mức kỉ lục 86 triệu tấn năm 2021 do xung đột khiến diện tích canh tác bị thu hẹp và sản lượng thấp hơn.
Xuất khẩu ngũ cốc của Ucraina được khôi phục từ cuối tháng 7/2022 sau khi thỏa thuận mà Ucraina và Nga ký kết thông qua vai trò trung gian của Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ có hiệu lực, khai thông việc vận chuyển ngũ cốc của Ucraina từ 3 cảng trên Biển Đen sau 6 tháng bị phong tỏa.