pháp luật
Các hội, hiệp hội trong ngành chăn nuôi vừa có văn bản đề xuất 3 vấn đề. Đó là bỏ quy định công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y; xây dựng hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi; không áp thuế giá trị gia tăng 5% với các sản phẩm chăn nuôi ở dạng sơ chế, bảo quản khi doanh nghiệp, hợp tác xã bán cho người tiêu dùng.
Kiến nghị bỏ quy định công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y
Các hội, hiệp hội trong ngành chăn nuôi (Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam và Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam) vừa có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội về một số vấn đề nóng, cần tháo gỡ của ngành.
Các hội, hiệp hội cho biết, sản xuất thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y là ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện. Theo đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng này phải đáp ứng đủ điều kiện sản xuất do cơ quan nhà nước đánh giá, thẩm định cấp giấy chứng nhận trước khi sản xuất và hàng năm đều có đánh giá giám sát duy trì của cơ quan. Ngoài ra, còn có các cuộc kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất của các cơ quan chức năng khác của bộ hoặc địa phương.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y còn phải thực hiện hợp quy. Hoạt động đánh giá công bố hợp quy sản phẩm - thực chất là đánh giá điều kiện và quy trình sản xuất, lấy mẫu điển hình để thử nghiệm. Như vậy, việc đánh giá công bố hợp quy đối với các sản phẩm thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y của các tổ chức chứng nhận hợp quy là trùng lặp và chồng chéo.
Trong khi đó, chi phí cho việc đánh giá công bố hợp quy với sản phẩm thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y rất tốn kém. Hiện các doanh nghiệp phải trả lệ phí 2 - 4 triệu đồng cho mỗi lần lấy mẫu của một sản phẩm thức ăn chăn nuôi và 10 - 20 triệu đồng/sản phẩm vaccine. Nếu tính cho một doanh nghiệp có hàng trăm sản phẩm, thì phải mất hàng tỷ đồng cho việc hợp quy sản phẩm, chưa kể làm mất thời gian của doanh nghiệp trong thực thi pháp luật.
Vì vậy, các hội, hiệp hội kiến nghị Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội loại bỏ quy định hợp quy ra khỏi Luật Thú y và Luật Chăn nuôi.
Gỡ khó về thuế giá trị gia tăng
Một điểm nghẽn nữa là theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Luật Thuế gia trị gia tăng năm 2016, đối tượng không chịu thuế là các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu. Doanh nghiệp, hợp tác xã mua bán sản phẩm, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã khác thì không phải kê khai tính nộp thuế giá trị gia tăng, nhưng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.
Các sản phẩm chăn nuôi như trứng gia cầm được làm sạch, đóng gói; thịt gia súc gia cầm sau giết mổ, làm mát, cấp đông... nếu do các doanh nghiệp, hợp tác xã mua bán, trao đổi với nhau thì được miễn thuế giá trị gia tăng 5%. Nhưng nếu các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh bán mặt hàng này cho người dân, hộ kinh doanh cá thể thì phải mất thuế 5%.
Không để 'thua' ngay trên sân nhà, ngành chăn nuôi kiến nghị tháo gỡ khó khăn.
Theo các hội, hiệp hội, quy định này đang gây rất nhiều khó khăn cho việc tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước. Bởi ở nước ta, phần lớn các sản phẩm chăn nuôi chưa qua chế biến đang được tiêu thụ tại các hộ kinh doanh cá thể và trong các chợ truyền thống. Nếu các sản phẩm chăn nuôi qua sơ chế, giết mổ công nghiệp đã phát sinh nhiều chi phí so với giết mổ thủ công lại phải cộng thêm 5% thuế giá trị gia tăng thì sẽ không thể cạnh tranh nổi với các sản phẩm chăn nuôi trôi nổi không được kiểm soát chất lượng, an toàn, thuế và với các sản phẩm chăn nuôi cùng loại nhập khẩu.
Các hội và hiệp hội cho rằng, trong chuỗi sản xuất chăn nuôi của nước ta, khâu yếu nhất chính là giết mổ và chế biến. Vấn đề này đã được Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển theo hướng tập trung, công nghiệp, nhưng đến nay vẫn chưa thành công. Nhiều doanh nghiệp đầu tư nhà xưởng, dây chuyền thiết bị hiện đại, tốn kém nhưng sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, sản lượng sản xuất thực tế chỉ chiếm trên dưới 30% công suất thiết kế. Nguyên nhân chính là do chưa kiểm soát được hoạt động giết mổ thủ công về điều kiện sản xuất, kinh doanh và các chính sách thuế. Trong đó, chính sách thuế giá trị gia tăng 5% của các sản phẩm chăn nuôi sơ chế đang là trở ngại với doanh nghiệp và hợp tác xã, trong khi đó Nhà nước cũng không thu được là bao nhiêu đối với dòng thuế này.
Vì vậy, các hội và hiệp hội kiến nghị Chính phủ và Quốc hội cho chỉnh sửa nội dung này trong Luật Thuế giá trị gia tăng và tạm dừng thực hiện trong thời gian chờ sửa luật.
Ngăn chặn nguy cơ “siêu nhập khẩu” sản phẩm chăn nuôi
Bên cạnh đó, các hội, hiệp hội cho biết, để xuất khẩu được sản phẩm thịt, trứng gia cầm, chúng ta phải chịu rất nhiều rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt tại các nước nhập khẩu, khiến các mặt hàng sản phẩm chăn nuôi của ta đang bị yếu thế và thiệt thòi ngay trên sân nhà.
Trong khi đó, việc nhập khẩu (chính ngạch và nhập lậu) ồ ạt các sản phẩm chăn nuôi vào nước ta hiện nay đang là vấn đề hệ trọng, gây ra rất nhiều rủi ro, hệ lụy như gây áp lực cạnh tranh không công bằng với các sản phẩm chăn nuôi trong nước; đồng thời gây rủi ro lớn về chất lượng và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Với tốc độ nhập khẩu như hiện nay, chỉ 3 - 5 năm tới khi các dòng thuế quan các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu về mức 0% thì Việt Nam sẽ trở thành nước siêu nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi. Do đó, các hội và hiệp hội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các ban, bộ, ngành khẩn trương xây dựng hàng rào kỹ thuật và chính sách thương mại để hạn chế thấp nhất việc nhập khẩu chính ngạch các sản phẩm chăn nuôi.
Nguồn: Báo Đại biểu nhân dân
CHÍNH PHỦ YÊU CẦU XEM XÉT KIẾN NGHỊ BỎ THỦ TỤC HỢP QUY THUỐC THÚ Y
Đó là chỉ đạo mới nhất của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trước kiến nghị của VPPA về những bất cập trong thủ tục công bố hợp quy thuốc thú y.
Văn phòng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 1607/VPCP-NN ngày 12/3 gửi Bộ NN-PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang về việc kiến nghị về những bất cập trong thủ tục công bố hợp quy thuốc thú y.
Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Thuốc thú y Việt Nam (VPPA) có Văn bản số 06/02/CV/HH ngày 6/2/2024 gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó kiến nghị về những bất cập trong thủ tục công bố hợp quy thuốc thú y.
Về việc này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang có ý kiến như sau: Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ: Khoa học và công nghệ, Tư pháp và các cơ quan có liên quan nghiên cứu kiến nghị của VPPA tại văn bản nêu trên.
Khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được giao tại Văn bản số 1195/VPCP-KSTT ngày 24/2 của Văn phòng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/3.
Trong Văn bản số 1195/VPCP-KSTT ngày 24/2, Phó Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu có giải pháp phù hợp để sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp theo hướng có cơ chế quản lý thuốc thú y phù hợp, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, khuyến khích phát triển chăn nuôi, đảm bảo không để gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trước ngày 30/3.
Theo văn bản kiến nghị của VPPA trước đó, căn cứ Luật Thú y 2015, thuốc thú y được thực hiện theo hình thức kiểm soát điều kiện sản xuất giấy chứng nhận thực hành sản xuất tốt – GMP, trong đó, phổ biến là Tiêu chuẩn GMP-WHO của Tổ chức Y tế Thế giới và GMP-EU của Khối châu Âu, đồng thời kiểm soát chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật trước khi sản xuất, lưu thông (Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành thuốc thú y).
Để được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GMP, các doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện rất khắt khe về địa điểm, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự, kho lưu trữ, bảo quản, nguyên liệu sản xuất.
Thủ tục đăng ký lưu hành cũng rất phức tạp, trải qua nhiều giai đoạn nghiên cứu, kiểm tra, đánh giá khảo nghiệm, kiểm nghiệm.
Hồ sơ đăng ký lưu hành gồm nhiều tài liệu chứng minh sản phẩm thuốc thú y đáp ứng theo quy chuẩn kỹ thuật. Việc kiểm tra chất lượng thuốc đều đã dựa trên quy chuẩn kỹ thuật do Bộ NN-PTNT ban hành.
Trong phiếu kết quả do cơ quan kiểm nghiệm cấp được chỉ định có nội dung ghi nhận các sản phẩm thuốc thú y phù hợp với các yêu cầu kỹ thuật về chất lượng của QCVN 01-187:2018/BNNPTNT. Sản phẩm thuốc thú y được cấp đăng ký lưu hành cũng được hiểu là đã đạt tiêu chuẩn theo quy chuẩn kỹ thuật.
Tuy nhiên, theo Khoản 9 Điều 4 và Khoản 1 Điều 48 Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật hiện hành, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc thú y phải thực hiện thêm thủ tục công bố hợp quy.
Thuốc thú y đã được quản lý theo tiêu chuẩn quy chuẩn của Luật Thú y và xác nhận bằng thủ tục đăng ký lưu hành. Trong hồ sơ đăng ký lưu hành cũng bao gồm các giấy tờ, tài liệu hồ sơ công bố hợp quy.
Do đó, việc thực hiện thủ tục công bố hợp quy đối với sản phẩm thuốc thú y là không cần thiết, gây trùng lặp, chồng chéo về mặt quản lý, lãng phí về mặt thời gian, chi phí cho cả bộ máy hành chính của cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp…
Ngoài ra, căn cứ quy định về lưu hành thuốc theo Luật Dược năm 2016, các loại thuốc dành cho người chỉ cần thực hiện thủ tục đăng ký lưu hành mà không phải thực hiện thủ tục công bố hợp quy.
Căn cứ Luật Thú y 2015, thuốc thú y được thực hiện theo hình thức kiểm soát điều kiện sản xuất giấy chứng nhận thực hành sản xuất tốt – GMP.
Đối với các sản phẩm là thực phẩm chức năng và thực phẩm dùng trực tiếp cho người, thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế, mức độ kiểm soát chất lượng không chặt chẽ như quản lý thuốc theo Luật Dược, trước đây cũng đã từng áp dụng công bố hợp quy theo Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 nhưng sau đó đã được sửa đổi theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018, không yêu cầu thủ tục công bố hợp quy.
Hơn nữa, các nước trong khu vực cũng như các nước khác trên thế giới đều không yêu cầu công bố hợp quy đối với thuốc thú y. Các sản phẩm thuốc thú y được sản xuất tại Việt Nam khi xuất khẩu đi các nước trên thế giới, không yêu cầu phải có dấu hợp quy mà chỉ cần doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn GMP.
Chính vì những nguyên nhân trên, VPPA – đại diện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc thú y Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật theo nội dung này.
Trong thời gian chưa được sửa đổi, VPPA kiến nghị quyết định tạm dừng áp dụng thủ tục công bố hợp quy đối với thuốc thú y.
HONG KONG CHIẾM HƠN 50% LƯỢNG THỊT XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM TRONG 8 THÁNG
Theo Tổng cục Hải quan, Hong Kong (Trung Quốc) là thị trường xuất khẩu thịt và sản phẩm từ thịt lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2023 khi chiếm tới 56% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này.
Xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam tiếp tục tăng trong tháng 8/2023. Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 8/2023, xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt đạt 1.920 tấn với trị giá 10,16 triệu USD, tăng 38,1% về lượng và tăng 22% về trị giá so với cùng kỳ năm trước (YoY).
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 14.170 tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 67,67 triệu USD, tăng 22,8% về lượng và tăng 34,9% về trị giá YoY.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (chủ yếu là lợn sữa và thịt lợn nguyên con đông lạnh); thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh…
Trong đó, thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh xuất khẩu nhiều nhất với 6.890 tấn, trị giá 40,28 triệu USD, giảm 0,7% về lượng nhưng tăng 30% về trị giá YoY.
Đáng chú ý, trong 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm tiếp tục tăng mạnh, đạt 3.620 tấn, trị giá 9,39 triệu USD, tăng 347% về lượng và tăng 414,9% về trị giá YoY. Mặt hàng này xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường như Trung Quốc, Papua New Guinea, Malaysia, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc)…
Tại thị trường Hong Kong, lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 6.140 tấn thịt và sản phẩm thịt sang thị trường này với trị giá 38,33 triệu USD, tăng 29,2% về lượng và tăng 56,6% về trị giá YoY. Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Hong Kong chủ yếu là thịt lợn sữa nguyên con đông lạnh, thịt lợn nguyên con đông lạnh…
Về nhập khẩu, theo Tổng cục Hải quan, tháng 8/2023, Việt Nam nhập khẩu 62.530 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, với trị giá 128,72 triệu USD, tăng 3,6% về lượng, nhưng giảm 0,7% về trị giá YoY. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 418.930 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 851,76 triệu USD, tăng 1,9% về lượng nhưng giảm 7,3% về trị giá YoY.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, cơ cấu thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm thịt cho Việt Nam có sự thay đổi khi lượng nhập khẩu từ Ấn Độ, Mỹ, Brazil, Hàn Quốc giảm, trong khi nhập khẩu từ Nga tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh đạt 66.950 tấn, trị giá 173,11 triệu USD, tăng 3,2% về lượng và tăng 25,7% về trị giá YoY.
Về giá, tại thị trường nội địa, tháng 9/2023, giá lợn hơi trên cả nước giảm do tình hình dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở một số vùng khiến người dân bán lượng lợn lớn ra thị trường, nên giá có sự chênh lệch giữa các vùng. Trong khi đó, sức mua vẫn chưa có nhiều cải thiện do người dân tiết kiệm chi tiêu.
Trong tháng, giá lợn hơi tại một số tỉnh, thành phố dao động trong khoảng 53.000-58.000 đồng/kg, giảm từ 1.000-3.000 đồng/kg so với cuối tháng trước. Cụ thể, hiện giá lợn hơi tại khu vực miền Bắc dao động trong khoảng 55.000-57.000 đồng/ kg, giảm 1.000-2.000 đồng/kg so với cuối tháng trước. Giá lợn hơi miền Trung, Tây Nguyên và khu vực miền Nam dao động trong khoảng 53.000- 58.000 đồng/kg, giảm 1.000-3.000 đồng/kg so với cuối tháng trước.
Theo Bộ Công Thương, hiện cung – cầu chăn nuôi trong nước nhìn chung khá cân bằng, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nội địa. Dự báo từ nay đến cuối năm, giá lợn sẽ ổn định ở mức hài hòa cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng.
Nguồn: mekongasean.vn
DỰ KIẾN NHẬP KHẨU THỊT LỢN VÀO NHẬT BẢN CUỐI NĂM 2023 SẼ TĂNG MẠNH
Giá thịt lợn tại thị trường nội địa tăng cũng thúc đẩy nhu cầu sử dụng thịt lợn nhập khẩu, do đó nhu cầu nhập khẩu dự kiến sẽ vẫn mạnh cho đến cuối năm 2023.
Tính đến 1/2/2023, đàn lợn của Nhật Bản tăng nhẹ 0,4% so với năm 2022, mặc dù tổng số cơ sở chăn nuôi lợn đã giảm 6% do nhiều cơ sở chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ đã rời khỏi thị trường hoặc đã sáp nhập.
Trong khoảng thời gian ba năm kết thúc vào tháng 5/2023, giá thức ăn chăn nuôi trung bình đã tăng 51%. Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Nhật Bản (MAFF) đã hõ trợ để bù đắp một phần cho những chi phí tăng. Điều này cũng khiến giá thịt lợn đang ở mức cao kỷ lục. Các ngành công nghiệp thịt kỳ vọng nhu cầu thịt lợn trong nước tăng mạnh mẽ sẽ tiếp tục hỗ trợ giá thịt lợn.
Trong nửa đầu năm 2023, trong lượng lợn nuôi trung bình tăng, điều này đã làm tổng số lượng lợn được giết mổ giảm 2%. Tại thị trường Nhật Bản, những con lợn nặng hơn có thể bán được giá cao hơn, giúp bù lại chi phí thức ăn chăn nuôi tăng thêm. Giá thịt lợn tăng đã làm cho trọng lượng lợn trung bình trong 6 tháng tăng lên 79.5 kg.
Trong năm 2023, tác động của dịch tả lợn châu Phi không đáng kể: chỉ có hai ca bệnh được báo cáo, với tổng cộng 2,950 con lợn bị tiêu hủy.
Doanh số bán lẻ thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn từ tháng 1 đến tháng 6/2023 đã vượt mức trước đại dịch COVID-19. So với năm 2019, tiêu thụ thịt heo năm 2022 và trong 5 tháng đầu năm 2023 tăng 7% về lượng, mặc dù giá bán lẻ cao hơn 12% vào năm 2022 và 16% vào năm 2023.
Nhập khẩu thịt lợn của Nhật Bản trong năm 2023 đang giảm xuống dưới mức năm 2022, năm mà nhập khẩu thịt lợn đông lạnh giá rẻ từ Tây Ban Nha đã tăng mạnh. Việc nhập khẩu thịt lợn làm mát đang được cân nhắc dựa trên nhu cầu hiện tại: một số sự thay thế từ thịt bò sang thịt lợn cũng giúp bù đắp chi phí nhập khẩu cao hơn do đồng yên yếu trong năm 2022 và 2023. Mặt khác, giá thịt lợn trong nước tăng cũng thúc đẩy nhu cầu sử dụng thịt lợn nhập khẩu, do đó nhu cầu nhập khẩu dự kiến sẽ vẫn mạnh cho đến cuối năm 2023. Nhập khẩu sản phẩm từ thịt lợn đã qua chế biến trong 6 tháng đầu năm 2023 không thay đổi so với cùng kỳ năm trước, nhưng FAS/Tokyo dự báo sẽ có sự tăng trưởng trong năm 2023 và 2024 khi các biện pháp cắt giảm thuế có hiệu lực, đặc biệt là đối với thịt lợn xay ướp gia vị (GSP), chủ yếu để sản xuất xúc xích.
Nguồn: Vinanet/VITIC/pig333.com
VIỆC MỞ RỘNG CHĂN NUÔI GIA SÚC VÀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU KHÔNG ĐƯỢC KIỂM SOÁT SẼ ẢNH HƯỞNG XẤU ĐẾN NGÀNH CHĂN NUÔI
Chăn nuôi sẽ ngày càng trở nên khó khăn ở nhiều nước nhiệt đới nếu lượng khí thải vẫn ở mức cao – nhưng việc cắt giảm nhanh chóng lượng khí thải và hạn chế mở rộng chăn nuôi sẽ làm giảm tác động tới 50-84%.
Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nghiên cứu môi trường, hơn 1 tỷ con bò trên khắp thế giới sẽ bị stress nhiệt vào cuối thế kỷ này nếu lượng khí thải carbon cao và mức độ bảo vệ môi trường thấp.
Điều này có nghĩa là chăn nuôi gia súc sẽ phải đối mặt với áp lực nhiệt có thể gây chết gia súc ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm Trung Mỹ, Nam Mỹ, châu Phi Xích đạo, Nam và Đông Nam Á. Nghiên cứu cũng cho thấy việc giảm nhanh lượng khí thải nhà kính cũng như duy trì sản xuất gia súc ở mức gần hiện tại sẽ giảm những tác động này ít nhất 50% ở châu Á, 63% ở Nam Mỹ và 84% ở châu Phi.
Nắng nóng cực độ gây hại cho gia súc theo nhiều cách khác nhau, đặc biệt khi kết hợp với độ ẩm cao. Nó làm giảm khả năng sinh sản, làm suy giảm sự phát triển của bê và có thể dẫn đến tỷ lệ chết gia súc gia tăng. Ở bò sữa, nó cũng làm giảm sản lượng sữa. Tất cả những điều này ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi, làm giảm phúc lợi động vật và thu nhập của trang trại.
Để nghiên cứu tác động hiện tại và tương lai của stress nhiệt đối với gia súc, các nhà nghiên cứu từ Đại học Cape Town, KwaZulu-Natal và Chicago đã phân tích điều kiện nhiệt độ và độ ẩm hiện nay trên khắp thế giới và ước tính chúng sẽ tác động như thế nào đến gia súc trong những thập kỷ tới, tùy thuộc vào các mức độ khác nhau. phát thải và các hình thức sử dụng đất.
Các nhà nghiên cứu dự đoán rằng nếu lượng khí thải carbon trong tương lai rất cao, thì 9/10 số bò trên khắp thế giới sẽ phải chịu stress nhiệt từ 30 ngày trở lên mỗi năm và hơn 3/10 số bò sẽ phải chịu điều đó quanh năm vào cuối thế kỷ này. Trong khi các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ ở các vùng nhiệt đới, nhiều nơi khác trên thế giới cũng sẽ phải đối mặt với tình trạng căng thẳng do nắng nóng kéo dài nhiều tháng mỗi năm, bao gồm cả các khu vực ở châu Âu và Bắc Mỹ. Một số khu vực của Nhật Bản, Úc và Mexico, cùng với những khu vực khác, sẽ trải qua 180 ngày nắng nóng hoặc hơn mỗi năm.
Nhiệt độ và độ ẩm tăng sẽ buộc nông dân phải thích nghi với những điều kiện mới này, chẳng hạn như bằng cách cung cấp hệ thống thông gió hoặc thậm chí điều hòa không khí cho vật nuôi hoặc chuyển sang các giống gia súc thích ứng với nhiệt độ. Nhưng những biện pháp này sẽ ngày càng tốn kém do hiện tượng nóng lên trong tương lai và sẽ không thể thực hiện được ở mọi nơi – có nghĩa là chăn nuôi gia súc không còn khả thi ở những nơi hiện đang là nghề chính, chẳng hạn như ở Ấn Độ, Brazil, Paraguay, Uruguay và phía bắc. -Đông Argentina, và trên khắp các nước khu vực Đông Phi.
Cắt giảm nhanh chóng lượng khí thải carbon và duy trì sản xuất chăn nuôi ở mức hiện tại sẽ làm giảm đáng kể số lượng gia súc bị stress nhiệt, đặc biệt ở một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, bao gồm châu Á, Nam Mỹ và châu Phi. Giảm khí thải cũng sẽ bảo vệ gia súc ở các vùng ôn đới khỏi bị stress nhiệt trong hơn nửa năm.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng những quyết định ngày nay sẽ rất quan trọng trong những thập kỷ tới. Ví dụ, việc chặt phá rừng nhiệt đới để chăn nuôi gia súc ở những nơi như Amazon và Trung Phi sẽ không chỉ làm tăng số lượng gia súc ở những khu vực vốn đang phải chịu áp lực nắng nóng nhất mà còn làm biến đổi khí hậu trở nên trầm trọng hơn, khiến việc chăn nuôi gia súc trở nên vô cùng khó khăn.
Giảm lượng thịt bò trong khẩu phần ăn và ăn nhiều sản phẩm có nguồn gốc thực vật sẽ làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm gia súc. Điều này sẽ khiến ít động vật gặp rủi ro do stress nhiệt hơn, đồng thời tạo cơ hội bảo vệ rừng và phục hồi các vùng đất bị suy thoái có thể giúp hạn chế sự gia tăng nhiệt độ.
Tiến sĩ Michelle North, bác sĩ thú y và nhà nghiên cứu tại Đại học KwaZulu-Natal, cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rõ ràng rằng gia súc ngày càng tiếp xúc với nhiệt độ ảnh hưởng đến phúc lợi của chúng, làm giảm sự tăng trưởng và sản lượng và có khả năng dẫn đến tử vong. Tình trạng này ngày càng tăng ở nhiều nơi trên thế giới hiện được coi là lãnh thổ chăn nuôi gia súc chính. Điều quan trọng là phải hãy nhớ rằng ở đây chúng ta chỉ xem xét tình trạng căng thẳng về nhiệt và không xem xét những thay đổi về nguồn nước sẵn có. Điều này có nghĩa là chăn nuôi gia súc sẽ ngày càng kém khả thi ở nhiều nơi trên thế giới”.
Có những giải pháp đơn giản có thể vừa giảm mức độ căng thẳng nhiệt mà gia súc phải chịu, vừa giảm phát thải khí nhà kính, và do đó giảm biến đổi khí hậu nói chung. Những người nông dân hiện tại có thể bắt đầu ưu tiên các chiến lược để giảm mức độ căng thẳng nhiệt đối với gia súc của họ.
Đồng thời, nông dân và chính phủ cần xem xét cẩn thận liệu có nên mở rộng chăn nuôi gia súc ở những khu vực được dự đoán là quá nóng đối với gia súc hay không. Người tiêu dùng có thể trợ giúp bằng cách chọn không hỗ trợ tăng cường đầu tư vào chăn nuôi gia súc, thông qua việc mua hàng của họ (ví dụ thông qua việc lựa chọn chế độ ăn uống bền vững, giảm tiêu thụ thịt và hỗ trợ các nhà sản xuất địa phương).
Tiến sĩ Christopher Trisos, nhà sinh thái học và nhà nghiên cứu biến đổi khí hậu tại Đại học Cape Town, cho biết: “Chúng tôi đã thấy những tác động chết người đối với con người do biến đổi khí hậu làm tăng cường các đợt nắng nóng, nhưng những động vật nuôi sống chúng ta cũng có nguy cơ nghiêm trọng do nắng nóng. Chúng ta cần hành động ngay để hạn chế rủi ro. Việc mở rộng chăn nuôi gia súc bằng cách chặt phá hoặc đốt rừng nhiệt đới là không bền vững, nó làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu và sẽ làm suy yếu phúc lợi của hàng trăm triệu gia súc khác sẽ phải chịu áp lực nắng nóng gay gắt quanh năm”.
Sự thích ứng của hệ thống chăn nuôi để giảm tác động của stress nhiệt sẽ là điều cần thiết. Việc giảm lượng sản phẩm gia súc trong khẩu phần ăn có thể giúp hạn chế việc mở rộng chăn nuôi gia súc trong tương lai. Việc tạo cơ hội bảo vệ và phục hồi các khu rừng cũng có thể giúp hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu trong thời gian tới.
Nguồn: Bộ NN&PTNT
KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO LĨNH VỰC CHĂN NUÔI – THÚ Y
Ngày 4 tháng 10 năm 2023, Công ty BCE Việt Nam, Công ty Oxford Nanopore Technologies (Singapore), Đại học Queensland (Australia), nhóm Giống và Công nghệ Chăn nuôi, Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã phối hợp tổ chức thành công Hội thảo chuyên đề “Ứng dụng công nghệ cao cho mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững – Tối ưu thời gian, và chi phí cho dữ liệu lớn trên nhiều đối tượng bằng giải trình tự gen thế hệ mới”.
Đông đảo các đại biểu tham dự hội thảo
Tham dự hội thảo có hơn 100 đại biểu đến từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các trường đại học có ngành chăn nuôi, thú y và công nghệ sinh học và các doanh nghiệp có hoạt động trong lĩnh vực liên quan. Đặc biệt có sự hiện diện của các diễn giả gồm: ông Nguyễn Hoàng Minh (Công ty BCE Việt Nam), ông Michael Cheng (Công ty Oxford Nanopore Technologies), TS. Harry Lamb (Đại học Queensland), TS. Chian Teng Ong (Đại học Queensland), TS. Hannah Siddle (Đại học Queensland); TS. Nguyễn Tố Loan (Đại học Queensland) và TS. Nguyễn Việt Tuấn (Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Bang Victoria Úc).
Hội thảo đã tập trung giới thiệu những ứng dụng của công nghệ giải trình tự gen đoạn dài Oxford Nanopore, cũng như những ứng dụng cụ thể của công nghệ này trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y.
PGS.TS Đỗ Đức Lực, Trưởng bộ môn Di truyền – Giống, thành viên nhóm nghiên cứu mạnh Giống và Công nghệ chăn nuôi, Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Theo PGS.TS Đỗ Đức Lực, Trưởng bộ môn Di truyền – Giống, thành viên nhóm nghiên cứu mạnh Giống và Công nghệ chăn nuôi, Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hiện nay, công nghệ sinh học nói chung và công nghệ giải trình tự gen nói riêng được ứng dụng rộng rãi trong chăn nuôi, thú y. Nhiều cán bộ của Khoa đang tiến hành các nghiên cứu áp dụng công nghệ này trong bảo tồn, chọn tạo giống vật nuôi. Vì vậy, hội thảo là cơ hội để chia sẻ, trao đổi thông tin khoa học liên quan đến ứng dụng công nghệ cao cho mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững; tối ưu thời gian và chi phí cho dữ liệu lớn trên nhiều đối tượng bằng giải trình tự gen thế hệ mới. Đây cũng là cơ hội liên kết giữa các nhà khoa học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp…
Những ưu điểm vượt trội của công nghệ giải trình tự gen thế hệ mới Oxford Nanopore
KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO LĨNH VỰC CHĂN NUÔI – THÚ Y
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, đại diện của công ty B.C.E Việt Nam, công nghệ giải trình tự gen đoạn dài của Oxford Nanopore có thể giải trình tự đoạn dài lên đến 4Mb, mở ra một thế hệ giải trình tự mới không giới hạn về chiều dài của đoạn ADN hay ARN. Bên cạnh đó, khả năng giải trình tự trực tiếp từ đoạn ADN hoặc ARN không cần thông qua các thao tác khác trong quá trình chuẩn bị thư viện mẫu, công nghệ này cũng mở ra tiềm năng xác định các thay đổi trên đoạn ADN hoặc ARN cho các nghiên cứu về epigenomics đồng thời cùng genomics và transcriptomics. Bên cạnh đó, chức năng “adaptive sampling” của công nghệ này cũng cho phép giải trình tự chọn lọc đối với các gen cần quan tâm từ ADN tổng số.
Một đặc điểm ưu việt khác của công nghệ giải trình tự nanopore là khả năng phân tích số liệu trong thời gian thực, cho phép kết quả được đưa ra trong thời gian ngắn nhất, phù hợp cho những trường hợp khẩn cấp như chẩn đoán để ngăn chặn bùng phát dịch bệnh.
Công nghệ giải trình tự gen đoạn dài của Oxford Nanopore hiện đã được ứng dụng trên nhiều lĩnh vực trên thế giới như . Công nghệ này đã được sử dụng trong lĩnh vực y tế để tìm hiểu cơ chế gây bệnh ung thư và kiểm soát dịch bệnh, cũng như trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm để xác định vi sinh vật gây tiêu chảy.
Công nghệ Oxford Nanopore cung cấp nhiều kỹ thuật cho phép xác định hệ gen vi sinh vật hoặc hoặc tập trung vào một số gen quan trọng liên quan đến tính trạng quan tâm. Với thiết kế nhỏ gọn, Công nghệ Oxford Nanopore có thể sử dụng ở nơi có khí hậu khắc nghiệt như ở sa mạc hay ở trên trạm vũ trụ, hay ngay tại trang trại thực địa. Trên thế giới, công nghệ giải trình tự đoạn dài cũng đã đạt được những bước tiến quan trọng, đặc biệt trong ứng dụng cho chăn nuôi và thú y trên thế giới.
Tại Việt Nam hiện nay có hơn 30 đơn vị đã sử dụng công nghệ, chủ yếu trong lĩnh vực nghiên cứu hệ vi sinh vật. Với mục đích làm rõ hơn các tiềm năng ứng dụng khác của công nghệ giải trình tự gen thế hệ mới, đặc biệt cho đối tượng chăn nuôi và thú y, phía BCE Việt , Đại học Queensland (Australia), nhóm Giống và Công nghệ Chăn nuôi (Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đã tổ chức hội thảo chuyên đề giúp các ứng dụng của công nghệ này được đến gần hơn với các nhà khoa học, doanh nghiệp cũng như các bạn thế hệ trẻ của Việt Nam.
Phương pháp mới trong việc phát hiện các vi sinh vật gây bệnh trên gia súc
Theo TS Hannah Siddle (QAAFI, Centre for Animal Science), sử dụng công cụ giải trình tự đoạn dài trong việc xác định bệnh đường sinh dục trên gia súc. Tương tự nghiên cứu của TS. Hannah Sidle, TS. Chian Teng Ong cũng đã khẳng định rằng adaptive sampling của Nanopore là một công cụ hữu hiệu để làm giàu ADN thuộc về các vi sinh vật. Trong nghiên cứu của TS. Ong, tác giả đã chỉ ra rằng, để đạt được độ phủ 100 lần cho mẫu vi khuẩn có hệ gen là 2 Mega bases, sử dụng short gun của Illumnia cần tới 19.6 dung lượng đầu ra, trong khi đó adaptive sampling chỉ cần tới 7.28 Gb.
Phương pháp mới trong việc chọn giống và xác định tác nhân gây bệnh trên cùng một thí nghiệm
Theo TS Harry Lamb, Trường Đại học Queensland, Úc cho biết Úc có trang trại chăn nuôi gia súc lớn nhất thế giới, như trại Anna Creek với 22.000m2. Với hệ thống chăn thả tự nhiên ở các vùng xa trung tâm, việc thu mẫu cho công tác chọn giống dựa trên hệ gen ở Bò ở Úc thường mất chi phí từ 35000 đến 250000 đô la Mỹ với thời gian từ 4 đến 6 tuần. Hiện nay ở Úc, SNP genotyping đang được sử dụng rộng giải với chip có độ phân giải thấp 35.000 SNPs.
Tuy nhiên độ chính xác của “imputation” cho các “mising value” từ 35K SNP chip lên mức độ phân giải cao 700k là 0.88, tương đương với độ chính xác khi sử dụng nanopore với độ phủ là 0.1 lần. Điều này khẳng định tiềm năng ứng dụng Nanopore trong chọn giống. Trong nghiên cứu của mình, TS. Lamb, đã giải trình tự gen trong vòng 24 giờ của 48 bò đã được xác định bệnh viêm phổi. Với các kiểu hình về thể trạng, chiều cao và tuổi động dục, nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nanopore có thể sử dụng để ước tính giá trị giống cho các mẫu nghiên cứu đồng thời với việc xác định chính xác các mầm bệnh chỉ trong 24 giờ với mức chi phí là 35.82 đô la Úc
Còn theo TS Loan Nguyễn, Đại học Queensland, Úc cho biết, bộ dữ liệu của công nghệ nanopore có thể được áp dụng vào nhiều nghiên cứu khác nhau. Cụ thể, nhóm nghiên cứu của cô đã sử dụng công nghệ Oxford Nano pore để giải trình tự 66 mẫu lông đuôi bò, từ đó xác định tuổi của mỗi con bò xác định giá trị giống cũng như các đột biến cấu trúc. Cùng mẫu đó, công nghệ này cũng có thể truy xuất được nguồn gốc trong chuỗi thức ăn và tiêu dùng (trang trại, lò giết mổ và tiệm thịt), với độ chính xác hơn 99%. Hoặc nhờ công nghệ này, qua phân bò, có thể truy xuất được con bò đã ăn những thức ăn gì.
Phát biểu tại hội thảo, TS Bùi Khắc Hùng, Cục Chăn nuôi cho rằng, sử dụng công nghệ này rất khả thi. Công nghệ này góp phần chọn lọc được những cá thể có năng suất cao, xác định được các đặc tính nổi trội giống vật nuôi. Qua đó, giúp cơ quan quản lý hiểu rõ hơn về giống vật nuôi, khi cấp giấy chứng nhận giống cho các doanh nghiệp, tổ chức.
Hy vọng, thời gian tới, công nghệ giải trình gen đoạn dài thế hệ mới Oxford Nanopore sẽ được ứng dụng nhiều trong trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y ở Việt Nam góp phần giúp ngành phát triển hiện đại, bền vững.
Nguồn: Cục Chăn nuôi
KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO LĨNH VỰC CHĂN NUÔI – THÚ Y
Trong 02 ngày 23-24/8/2023, Viện Chăn nuôi phối hợp với Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường cùng, Viện Thú y tổ chức Hội nghị toàn quốc về “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo lĩnh vực Chăn nuôi – Thú y” tại Viện Chăn nuôi, số 9 Tân Phong, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Theo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, giai đoạn 2021-2030, thông qua việc thực hiện các đề tài nghiên cứu, dự án sản xuất thử nghiệm, các nhà khoa học đã chọn tạo và giới thiệu vào sản xuất nhiều dòng, giống vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao.
Đã có 31 tiến bộ kỹ thuật được Bộ NN&PTNT công nhận, trong đó có 6 dòng, giống lợn mới; 15 dòng, giống gia cầm; 02 tiến bộ kỹ thuật về dinh dưỡng; 05 tiến bộ về thú y và 03 tiến bộ về xử lý môi trường trong chăn nuôi.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Đã có 317 bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế và 478 vài bài báo được đăng trên các tạp chí trong nước.
Với những đóng góp của ngành chăn nuôi, ngành chăn nuôi đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định trao tặng 02 Giải thưởng Hồ Chí Minh và 03 Giải thưởng Nhà nước:
+ 02 Giải thưởng Hồ Chí Minh: Phát triển chăn nuôi thủy cầm ở Việt Nam; Ba tổ hợp lai các giống gà nội Minh Dư Bình Định (MD1.BĐ, MD2.BĐ, MD3.BĐ) giai đoạn 2000-2020.
+ 03 giải thưởng Nhà nước: (1) Chọn tạo và phát triển các giốn gà lông màu hướng thịt và hướng trứng giai đoạn 2006-2020; (2) bảo tồn và khai thác nguồn gen vật nuôi bản địa Việt Nam của Viện Chăn nuôi giai đoạn 2000-2020; (3) Nghiên cứu, sản xuất vắc xin nhược độc đông khô phòng bệnh tụ huyết trùng và đóng dấu lợn.
+ 01 công trình được công bố trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2020 (Quy trình chẩn đoán và Quy trình phòng bệnh sán lá sinh sản ở vịt).
03 cá nhân (PGS.TS Ngô Thị Kim Cúc, TS Tăng Xuân Lưu, TS Lê Bá Quế) đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh vì có nhiều công trình nghiên cứu ứng dụng hiệu quả, các quy trình kỹ thuật công nghệ được ứng dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất.
Nguồn: Cục Chăn nuôi
SẢN XUẤT VÀ TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG CHĂN NUÔI 8 THÁNG ĐẦU NĂM 2023
Theo thông tin từ Cục Chăn nuôi, 8 tháng đầu năm 2023, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, không có dịch lớn xảy ra. Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê thời điểm 06 tháng đầu năm 2023: tổng số trâu của cả nước ước đạt 2,23 triệu con, tổng số bò đạt 6,41 triệu con; tổng số lợn của cả nước 24,83 triệu con; tổng số gia cầm của cả nước đạt 532,59 triệu con . Theo số liệu ước tính của TCTK, thời điểm cuối tháng 8/2023, so với cùng kỳ năm 2022, tổng số trâu của cả nước ước giảm 1,9%, tổng số bò tăng 0,5%; tổng số lợn của cả nước tăng 3,3%; tổng số gia cầm của cả nước tăng 2,3%.
Giá lợn thịt hơi xuất chuồng: Hiện nay, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cơ cấu sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng chiếm 63,8% so với tổng sản lượng thịt sản xuất trong nước. Vì vậy, diễn biến giá thịt lợn hơi không những ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người chăn nuôi mà còn ảnh hưởng đến người tiêu dùng và tác động chỉ số CPI của cả nước.
Giá lợn hơi trung bình tháng 8/2023 dao động từ 58.000-62.000 đồng/kg, giảm 1.000-2.000 đồng/kg so với mức giá tại thời điểm cao nhất . Trong tháng 8, có thời điểm giá lợn hơi xuất chuồng của Việt Nam (trung bình 59.500 đồng/kg) đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Philippines (hơn 69.000 đồng/kg), xếp thứ 3 là Trung Quốc (57.000 đồng/kg) (trong tháng 8, giá lợn thịt hơi bình quân tại Trung Quốc đã tăng 10.000 đồng/kg so với bình quân tháng 7); xếp thứ 4 là Tây Ban Nha (52.000 đồng/kg). Giá lợn giống đến tháng 8 năm 2023 dao động 1.200.000-1.500.000 đồng/con (biểu 6-9kg) giảm 200.000-500.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Mức giá này cũng đã tăng 50.000 -100.000 đồng/con so với tháng 7 năm 2023.
Giá sản phẩm gia cầm: Trong 4 tháng đầu năm 2023 giá thịt gà lông màu hơi xuất chuồng chăn nuôi công nghiệp ngắn ngày khá đồng nhất giữa 3 miền, từ tháng 5 đến nay, giá biến động mạnh giữa các miền, đặc biệt giá gà lông màu miền Nam giảm mạnh trong tháng 5 và tháng 6. Nhìn chung, giá thịt gà lông màu ngắn ngày trong 6 tháng đầu năm đều thấp hơn giá thành sản xuất. Mức giá trung bình theo tháng thấp nhất là 31.000đ/kg ở thời điểm tháng 4 (thậm chí có thời điểm giá trung bình cả nước chỉ còn 26.200đ/kg). Sang tháng 7 và tháng 8, giá gà lông màu đạt mức trên 50.000đ/kg.
Giá gà công nghiệp lông trắng: với giá thành sản xuất dao động 32.000đ-35.000đ/kg thịt hơi, trong 6 tháng đầu năm, giá gà thịt hơi xuất chuồng đều thấp hơn giá thành sản xuất. Hiện nay, mức giá trung bình chỉ khoảng 29.300 đ/kg (miền Nam thấp hơn miền Bắc khoảng 10.000-13.000đ/kg). Nguyên nhân giá giảm và có sự chênh lệch một phần do tại các tỉnh miền Nam người chăn nuôi liên tục xuất chuồng gà công nghiệp lông trắng, ngoài ra việc tháng 8 là thời điểm sinh viên vẫn chưa quay trở lại các thành phố lớn dẫn đến cung vượt cầu.
Thị trường nguyên liệu và giá TĂCN tháng 8/2023 so với tháng 7/2023 và cùng kỳ năm trước: Giá ngô hạt 8.435 đ/kg (giảm khoảng 1,8%); Khô dầu đậu tương 14.507 đ/kg; Cám gạo chiết ly 6.557 đ/kg (tăng khoảng 4%); Lysin 32.010 đ/kg (tăng khoảng 4%); DDGS 9.069 đ/kg. Giá các loại TĂHH: TĂHH hoàn chỉnh cho lợn thịt 13.306 đ/kg (giảm khoảng 3,7%); TĂHH hoàn chỉnh cho gà thịt lông màu 12.922 đ/kg (tăng khoảng 5%); TĂHH hoàn chỉnh cho gà thịt lông trắng 13.554 đ/kg (tăng khoảng 2%).
Nguồn: Cục Chăn nuôi
TÌNH HÌNH XUẤT, NHẬP KHẨU SẢN PHẨM CHĂN NUÔI 8 THÁNG ĐẦU NĂM 2023
* Nhập khẩu: Thức ăn gia súc và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi: tính chung 8 tháng đầu năm nước ta nhập khẩu 10,83 triệu tấn (tương đương 4,5 tỷ USD), giảm 5,8% về khối lượng và giảm 11% về giá trị so với cùng kỳ 2022. Trong đó: thức ăn giàu năng lượng 6,06 triệu tấn (tương đương 1,97 tỷ USD), thức ăn giàu đạm 4,43 triệu tấn (tương đương 2,17 tỷ USD), thức ăn bổ sung 325 nghìn tấn (tương đương 362 triệu USD).
Sản phẩm chăn nuôi: Trong 8 tháng đầu năm 2023, giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi vào Việt Nam ước đạt 2.296 triệu USD, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, sữa và các sản phẩm từ sữa đạt 810.1 triệu USD giảm 11,3%; thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ ước đạt 887 triệu USD giảm 3,3% (nguồn tổng hợp từ TT. Chuyển đổi số và Thống kê NN và AgroMonitor).
Đối với nhập khẩu con giống:
– Lượng lợn giống nhập khẩu vào Việt Nam năm 2022 là 6.527 con lợn cái giống và 1.375 con lợn đực giống; 8 tháng đầu năm 2023, chúng ta nhập 2.775 lợn cái giống và 1.209 lợn đực giống;
– Lượng gà giống bố mẹ (gà trắng thịt và gà màu thịt) nhập khẩu về Việt Nam năm 2022 là 2.919.811 con; 8 tháng đầu năm chúng ta nhập khẩu 1.880.296 con giống. Lượng gà giống hướng trứng nhập khẩu vào Việt Nam năm 2022 là 472.622 con giống; 8 tháng đầu năm 2023, tổng số gà giống hướng trứng nhập khẩu là 296.253 con;
Lượng vịt giống ông bà/bố mẹ nhập khẩu về Việt Nam năm 2022 là 14.000 con; 8 tháng đầu năm 2023, chúng ta nhập 68.391 con.
* Xuất khẩu: Giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi trong 8 tháng đạt 324.8 triệu USD, tăng 26.1% so với cùng kỳ trong đó xuất khẩu sữa và sản phẩm từ sữa đạt 91 triệu USD, tăng 24,2%; thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ đạt 93.3 triệu USD, tăng 33,6%.
VIỆT NAM CHÍNH THỨC XUẤT KHẨU VACCINE PHÒNG BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI
Việt Nam đã sản xuất thành công sản phẩm vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi và chính thức xuất khẩu vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi AVAC ASF LIVE của Công ty AVAC Việt Nam sang 5 nước.
Các đối tác từ 5 quốc gia Indonesia, Philippines, Malaysia, Myanmar Ấn Độ đã đến thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh để ký kế hợp đồng mua vaccine dịch tả lợn châu Phi do Việt Nam sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam, khẳng định vaccine AVAC ASF LIVE là giải pháp hiệu quả giúp bảo vệ đàn lợn, đặc biệt cần thiết cho chăn nuôi nông hộ và chăn nuôi quy mô vừa, nhỏ, mô hình rất phổ biến ở Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ và Myanmar.
NHẬP KHẨU 80% CHẤT PHỤ GIA, THỨC ĂN CHĂN NUÔI BỔ SUNG CHÍNH
Theo Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có 269 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp dạng hỗn hợp hoàn chỉnh.
Trong đó, 90 nhà máy thuộc sở hữu của doanh nghiệp FDI (chiếm 33,5% về số lượng; 51,3% về công suất thiết kế) và 179 nhà máy thuộc doanh nghiệp trong nước (chiếm 66,5% về số lượng và 48,7% về công suất thiết kế). Tổng nhu cầu thức ăn tinh (ngô, khô dầu các loại, cám các loại, bột cá…) của toàn ngành chăn nuôi là khoảng 33 triệu tấn/năm, chủ yếu dùng cho chăn nuôi lợn và gia cầm.
Đáp ứng nhu cầu này, Việt Nam cần số lượng rất lớn nguyên liệu thức ăn tinh, nhưng năng lực sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 13 triệu tấn/năm (chiếm khoảng 35% tổng nhu cầu), số còn lại từ nguồn nhập khẩu (chiếm khoảng 65%).
Các sản phẩm chính của ngành trồng trọt có thể sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, gồm: 42,8 triệu tấn thóc (chủ yếu dùng tấm, cám làm thức ăn chăn nuôi); 4,6 triệu tấn ngô hạt; 10,5 triệu tấn sắn tươi; 65,4 nghìn tấn đậu tương.
Đối với chất phụ gia và thức ăn bổ sung chính (vitamin, axit amin…), nước ta phải nhập khẩu tới 80%, do không có công nghệ sản xuất, thị trường tiêu thụ nhỏ, không thu hút được đầu tư.
Bộ NN&PTNT cho rằng, để bảo đảm cung ứng đủ nguồn thức ăn chăn nuôi, các doanh nghiệp sản xuất phải chủ động tìm kiếm và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước; theo dõi sát diễn biến thị trường thế giới, có kế hoạch thu mua nguyên liệu thức ăn chăn nuôi dự trữ.
Ngoài ra, các hộ chăn nuôi cần tận dụng các nguyên liệu sẵn có tại chỗ để làm thức ăn chăn nuôi (thức ăn xanh, phụ phẩm nhà bếp, nhà hàng)…
Nguồn: Báo Hà Nội Mới
USDA: DỰ BÁO SẢN LƯỢNG NGÔ VÀ ĐẬU TƯƠNG THẾ GIỚI NIÊN VỤ 2023/2024
Theo dự báo cáo mới nhất trong tháng 9/2023 của USDA, sản lượng ngô thế giới giảm do ảnh hưởng bất lợi của hiện tượng El Niño ở Mỹ, dự báo sản lượng đậu tương tăng.
Ngô
Sản lượng ngô thế giới trong niên vụ 2023/24 dự kiến đạt 1214,3 triệu tấn, giảm 5,1% so với niên vụ 2022/23 (1155,6 triệu tấn).
Sản lượng tại Mỹ ước tính đạt 384,4 triệu tấn, tăng 10,2% so với vụ mùa trước (348,8 triệu tấn), trong khi sản lượng tại Trung Quốc dự kiến sẽ giảm 0,1%, đạt 277 triệu tấn. Châu Âu dự kiến sẽ tăng 13,7% đạt 59,4 triệu tấn, Ukraine sẽ tăng 3,7% đạt 28 triệu tấn.
Sản lượng của Brazil ước tính đạt 129 triệu tấn, giảm 5,8% so với niên vụ trước, trong khi sản lượng của Achentina dự kiến đạt 54 triệu tấn, tăng 58,8%.
Xuất khẩu ngô thế giới dự kiến sẽ tăng 8%, từ 181,7 triệu tấn trong niên vụ 2022/23 lên 196,2 triệu tấn trong vụ mùa mới. Trong đó Mỹ là nước xuất khẩu ngũ cốc lớn thứ hai thế giới với 52,1 triệu tấn, tăng 23,1% so với vụ mùa trước.
Nguồn cung cho xuất khẩu từ Nam Mỹ dự kiến sẽ tăng đáng kể ở Achentina, với mức tăng 76,1% trong mùa vụ mới này đạt 40,5 triệu tấn, trong khi Brazil ước tính có 55 triệu tấn, giảm 3,5% so với mùa trước.
Trung Quốc dự kiến sẽ nhập khẩu 23 triệu tấn ngô, tăng 24,3% so với niên vụ trước (18,5 triệu tấn), trong khi Liên minh châu Âu dự kiến sẽ giảm nhập khẩu 2% xuống còn 24 triệu tấn.
Dự trữ cuối kỳ trên thế giới sẽ tăng 4,8% lên 314 triệu tấn. Dự trữ của Mỹ sẽ tăng 53%, trong khi dự trữ của Brazil và Trung Quốc sẽ giảm lần lượt là 22,4% và 2%.
Đậu tương
Sản lượng đậu tương thế giới trong niên vụ 2023/24 dự kiến sẽ tăng 8,4% so với niên vụ trước, từ 370,1 triệu tấn lên 401,3 triệu tấn.
Ước tính sản lượng đậu tương ở Nam Mỹ tăng 4,5% đối với Brazil, sẽ đạt 163 triệu tấn, trong khi Achentina được dự đoán sẽ tăng 92% đạt 48 triệu tấn.
Sản lượng đậu tương của Paraguay dự kiến sẽ tăng 10,5% so với niên vụ 2022/23 (9,1 triệu tấn), đạt 10 triệu tấn và trở lại mức cao như trước niên vụ 2020/21.
Trong báo cáo mới này, sản lượng đậu tương của Mỹ dự kiến đạt 112,8 triệu tấn, giảm 3% so với vụ mùa 2022/23 với 116,4 triệu tấn.
Brazil dẫn đầu về xuất khẩu đậu tương với ước tính đạt 97 triệu tấn, tăng 2,1% so với mùa trước (95 triệu tấn), trong khi Mỹ dự kiến sẽ xuất khẩu 48,7 triệu tấn đậu tương, giảm 10,1% so với vụ mùa trước (54,2 triệu tấn).
Achentina dự kiến sẽ xuất khẩu 4,6 triệu tấn đậu tương, tăng 15% so với niên vụ 2022/23 (4 triệu tấn). Trung Quốc dự kiến sẽ nhập khẩu 100 triệu tấn đậu tương, giảm 2% so với niên vụ trước.
Dự trữ hạt có dầu toàn cầu cuối kỳ dự kiến sẽ tăng 15,8%, đạt 119,2 triệu tấn, được hỗ trợ bởi sự gia tăng dự trữ ở Achentina và Brazil.
Nguồn: Vinanet/VITIC/pig333.com
MALAYSIA MỞ CỬA XUẤT KHẨU GÀ TỪ THÁNG 7, NÔNG DÂN CÓ CƠ HỘI PHÁT TRIỂN
MALAYSIA MỞ CỬA XUẤT KHẨU GÀ TỪ THÁNG 7
Malaysia đồng ý dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gà kể từ tháng 7 năm nay, sau một năm áp đặt biện pháp này để bảo vệ nguồn cung nội địa, mang đến hy vọng cho người nông dân chăn nuôi gia cầm.
Malaysia đã ban lệnh cấm xuất khẩu thịt gà từ ngày 1/6/2022 do tình trạng khan hiếm nguồn cung trầm trọng. Các nhà sản xuất gia cầm nước này đã chịu áp lực liên tục trong 2 năm qua do chi phí thức ăn chăn nuôi gia tăng, chủ yếu liên quan đến vấn đề nguồn cung do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và những thách thức của cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Straits Times dẫn lời Bộ trưởng Mohamad Sabu cho biết, với thông báo này, các doanh nghiệp sản xuất gia cầm Malaysia sẽ có thể được xuất khẩu gà sống, thịt gà chế biến và các bộ phận của gà, nhưng không bao gồm gà con một ngày tuổi. Bên cạnh đó, chính sách trợ cấp cho người chăn nuôi gia cầm sẽ kết thúc sau ngày 30/6.
Việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gà sẽ giúp cân bằng nguồn cung và thu hút dòng tiền từ thị trường xuất khẩu.
Ông Mohamad Sabu cũng nói thêm rằng chính phủ sẽ cho phép nhập khẩu thịt gà từ các quốc gia có nguồn cung được công nhận, bao gồm Thái Lan, Trung Quốc, Brazil và Đan Mạch. “Đối với việc nhập khẩu trứng, các quốc gia được phép nhập khẩu là Thái Lan và Ukraine”, ông cho biết.
Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho nhập khẩu thịt gà từ các quốc gia khác như Thái Lan, Trung Quốc, Brazil và Đan Mạch. Chính phủ cũng tiếp tục dự trữ và bán các sản phẩm nông nghiệp với mức giá thấp hơn thị trường để hỗ trợ người tiêu dùng.
Một quầy bán thịt gà tại chợ ở Kampung Baru, Kuala Lumpur, Malaysia, năm 2021. Ảnh: AP
Để duy trì ổn định nguồn cung thịt gà và trứng, chính phủ Malaysia sẽ áp dụng cơ chế hạ cánh mềm và tiếp tục thực hiện chương trình bán sản phẩm nông nghiệp với giá ưu đãi. Trong quá trình này, sự hỗ trợ và phát triển của các doanh nghiệp sản xuất gia cầm cũng rất quan trọng.
Tin vui này cũng mang lại lợi ích cho các nước như Singapore, nơi từng phụ thuộc mạnh vào nhập khẩu thịt gà từ Malaysia- khoảng 1/3 nguồn cung thịt gà của nước này vốn nhập khẩu từ Malaysia. Lệnh cấm xuất khẩu gà khiến quốc đảo này buộc phải chuyển sang tăng nhập khẩu các sản phẩm thịt gà đông lạnh từ các thị trường khác như Thái Lan, Australia, Brazil, Mỹ và Indonesia. Dự kiến, "cơn khát thịt gà" tại Singapore sẽ được giải quyết sau thông báo này.
Team Globalvet
Xử phạt 30 cơ sở chăn nuôi heo 4,7 tỷ đồng vì gây ô nhiễm môi trường
Sau khi người dân phản ánh về việc các cơ sở, trang trại nuôi heo gây ô nhiễm môi trường khiến cho cuộc sống đảo lộn, Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Bình Phước đã phối hợp với các đơn vị kiểm tra, phát hiện và xử phạt nhiều cơ sở.
Bình Phước hiện có 375 trại chăn nuôi heo đang hoạt động, trong đó 161 trại heo công nghiệp quy mô lớn thuộc thẩm quyền quản lí cấp tỉnh; 214 trại nhỏ, hộ gia đình do huyện quản lí. Trong số 375 trại chăn nuôi heo đã có 85 dự án được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành; 14 dự án được UBND tỉnh cấp Giấy phép môi trường; 23 dự án đang hoàn thiện thủ tục, hồ sơ cấp Giấy phép môi trường.
Quyết định xử phạt của UBND tỉnh Bình Phước đối với một trang trại gây ô nhiễm. (Ảnh: KĐ).
Sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Phước đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các trang trại chăn nuôi heo. Qua kiểm tra đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 30 trang trại, cơ sở chăn nuôi heo với số tiền phạt 4,7 tỷ đồng.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này tiếp tục phối hợp với các đơn vị rà soát, yêu cầu các trang trại đang xây dựng phải hoàn thiện các công trình xử lý chất thải và chỉ được hoạt động sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, cấp phép. Đối với các cơ sở đã hoạt động nhưng chưa hoàn thiện các công trình xử lý chất thải sẽ xử phạt và phải xây dựng, cải tạo hoàn thiện các công trình xử lý để được kiểm tra, cấp phép.
Đối với các trang trại sẽ được các đơn vị đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên phun chế phẩm sinh học khử mùi, giảm thiểu mùi hôi phát tán ra môi trường xung quanh. Đối với cơ sở tái diễn vi phạm về lĩnh vực môi trường bị đề nghị đình chỉ hoạt động.
Sở cũng phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường của các cấp, các ngành, các chủ trang trại; khuyến khích người dân cùng tham gia giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi./.
Nguồn: Thiên Lý/VOV-TP.HCM
Hà Nội Ngăn chặn thực phẩm bẩn những ngày cận Tết
Các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội liên tục phát hiện những vụ buôn bán vận chuyển thực phẩm bẩn như nầm lợn, nội tạng động vật, trứng non, thịt gia súc… quá hạn sử dụng, bốc mùi hôi thối…
Đội Quản lý thị trường số 9 – Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Đội 5 – Phòng Cảnh sát môi trường – Công an TP. Hà Nội vừa phát hiện và thu giữ khoảng 1,3 tấn nội tạng động vật có dấu hiệu bị phân hủy đang trên đường đi tiêu thụ.
Theo đó, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra đột xuất xe tải mang BKS 29H -17814 đang dừng đỗ tại trước số nhà 50 ngõ 28 Xuân La, phường Xuân La, quận Tây Hồ. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được bất kì hóa đơn chứng từ liên quan đến nguồn gốc số nầm lợn, trứng non đông lạnh.
Theo đại diện Đội 5, Phòng Cảnh sát môi trường – công an thành phố Hà Nội, nếu không được phát hiện kịp thời, số nội tạng động vật này có thể sẽ được tiêu thụ tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Nầm lợn thối đang được mang đi tiêu thụ
Toàn bộ số nội tạng động vật trên xe đều có dấu hiệu trong trạng thái phân hủy, không đảm bảo chất lượng, bốc mùi hôi thối.
Cũng liên quan đến thực phẩm bẩn, trong tháng 10/2022 Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đã thu giữ gần 100 tấn thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc.
Theo đó, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an chủ trì phối hợp cùng Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội tiến hành kiểm tra kho hàng tại Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội.
Tại thời điểm kiểm tra kho hàng, lực lượng chức năng phát hiện trong kho tập kết các mặt hàng thực phẩm đông lạnh gồm thủ lợn, móng lợn, chân gà, thịt dê nguyên con, dạ dày lợn, ức vịt xông khói, lòng lợn, tai lợn…
Qua kiểm đếm phát hiện, nhiều sản phẩm hết hạn sử dụng đã 2 năm, có dấu hiệu của việc chờ dán hạn sử dụng mới để đưa ra thị trường tiêu thụ.
Nhằm ngăn chặn thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ ra tuồn thị trường dịp Tết, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã ban hành Kế hoạch triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023.
Kế hoạch nhằm mục tiêu bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023.
Cơ quan chức năng kiểm tra hàng hóa vi phạm bị phát hiện, bắt giữ
Các cơ quan liên ngành sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn.
Huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.
Đối tượng kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và các lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm… và các cơ sở dịch vụ ăn uống.
Nguồn: Tạp chí Kinh tế Việt Nam