

Tin tức


Giá sản phẩm chăn nuôi cả nước (tại trại) cập nhật ngày 10/01/2023, bao gồm: giá lợn hơi, giá gà hơi, giá vịt…
Nguồn: Channuoivietnam

NGÀY 17/01/2023 – GIÁ SẢN PHẨM CHĂN NUÔI (TẠI TRẠI) CẢ NƯỚC
Giá sản phẩm chăn nuôi cả nước (tại trại) cập nhật ngày 17/01/2023, bao gồm: giá lợn hơi, giá gà hơi, giá vịt…
Nguồn: Channuoivietnam


Thị trường nhập khẩu ngô 11 tháng năm 2022
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu ngô các loại trong 11 tháng năm 2022 đạt trên 8,41 triệu tấn, trị giá trên 2,94 tỷ USD, giá trung bình 349,8 USD/tấn, giảm 11,6% về lượng, nhưng tăng 8,2% kim ngạch và tăng 22,4% về giá so với 11 tháng năm 2021.
Trong đó, riêng tháng 11/2022 đạt 874.529 tấn, tương đương 288,29 triệu USD, giá trung bình 329,7 USD/tấn, tăng nhẹ 0,4% về lượng, tăng 1,7% kim ngạch, giá tăng 1,3% so với tháng 10/2022; so với tháng 11/2021 thì giảm 15,2% về lượng, giảm 8,9% về kim ngạch nhưng tăng 7,4% về giá.
Achentina là thị trường chủ đạo cung cấp ngô cho Việt Nam trong 11 tháng năm 2022, chiếm 63% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước, đạt 5,27 triệu tấn, tương đương gần 1,86 tỷ USD, giảm 6,6% về lượng, nhưng tăng 10% kim ngạch và tăng 17,7% về giá so với cùng kỳ năm 2021; riêng tháng 11/2022 đạt 305.283 tấn, tương đương 101,01 triệu USD, giá 330,9 USD/tấn, giảm mạnh 53,9% về lượng, giảm 53% kim ngạch so với tháng 10/2022, giá tăng 2%; so với tháng 11/2021 giảm 66,4% về lượng, giảm 63,3% về kim ngạch, giá tăng 9,1%.
Ngoài ra, nhập khẩu ngô từ Brazil 11 tháng đầu năm 2022 đạt 966.912 tấn, tương đương 319,23 triệu USD, giá 330,2 USD/tấn, chiếm 11,5% trong tổng lượng và chiếm 10,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước, giảm mạnh 37,2% về lượng, giảm 9,4% về kim ngạch nhưng giá tăng mạnh 44,3% so với 11 tháng năm 2021.
Nhập khẩu ngô từ thị trường thị trường Ấn Độ 11 tháng đầu năm 2022 đạt 681.476 tấn, tương đương 224,93 triệu USD, giá 224,93 USD/tấn, chiếm 8,1% trong tổng lượng và chiếm 7,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước, giảm mạnh 37,9% về lượng, giảm 27% về kim ngạch nhưng giá tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước.
Nhập khẩu ngô 11 tháng năm 2022
(Tính toán theo số liệu công bố ngày 11/12/2022 của TCHQ)
Nguồn: Trung tâm TTCN&TM

Đánh giá ảnh hưởng của axit folic trong khẩu phần heo con sau cai sữa
Bổ sung axit folic trong chế độ ăn có thể cải thiện năng suất tăng trưởng và hình thái ruột của lợn con cai sữa.
Axit folic đóng một vai trò quan trọng trong đối với việc tích luỹ protein và tổng hợp mô và các mô đang phát triển nhanh chóng với tốc độ luân chuyển cao rất nhạy cảm với mức độ của nó.
Thông thường, chế độ ăn cho heo sơ sinh chứa 6 đến 10 lần hàm lượng khuyến nghị bổ sung axit folic để ngăn ngừa sự thiếu hụt do không ổn định và lượng thức ăn hàng ngày không đủ. Bổ sung hàm lượng axit folic cao đã cải thiện hiệu suất tăng trưởng của heo con cai sữa trong các báo cáo trước đây. Tuy nhiên, trong khẩu phần ăn sau cai sữa thiếu kháng sinh và kẽm oxit, ảnh hưởng của axit folic đến năng suất sinh trưởng và cơ chế cơ bản lên hình thái và chức năng ruột ở heo con cai sữa vẫn chưa rõ ràng.
Nghiên cứu này được thực hiện để đánh giá ảnh hưởng của axit folic trong khẩu phần đối với khả năng tăng trưởng, hình thái ruột và sự đổi mới tế bào biểu mô ruột ở heo con sau cai sữa. 28 lợn con (cai sữa ở ngày thứ 21, trọng lượng cơ thể ban đầu 6,73 ± 0,62 kg) được phân bổ ngẫu nhiên vào 4 nghiệm thức với 7 chuồng / khẩu phần và 1 lợn con / chuồng. Các heo con được cho ăn cùng một chế độ ăn cơ bản không có kháng sinh và không có oxit kẽm được bổ sung axit folic ở mức 0, 3, 9 và 18 mg / kg trong 14 ngày.
Kết quả cho thấy rằng việc bổ sung axit folic trong khẩu phần làm tăng tuyến tính chiều cao nhung mao (VH), tỷ lệ chiều sâu nhung mao (VH: CD) và diện tích bề mặt nhung mao (VSA). Các thông số được phân tích ADG, hàm lượng nitơ urê huyết thanh (BUN), VH, VSA và nồng độ folate trong huyết thanh (SF) phản ứng tuyến tính với nồng độ axit folic trong khẩu phần khi nồng độ axit folic trong chế độ ăn dưới 4,42, 5,26, 4,79, 3,47 và 3,53 mg / kg tương ứng, được đánh giá bằng hồi quy đường gãy hai tuyến tính. Trên những điểm dừng này, biến động của ADG, VH, VSA và SF tăng cao để đáp ứng với những thay đổi về nồng độ axit folic trong chế độ ăn. Hơn nữa, việc bổ sung axit folic trong khẩu phần làm tăng đáng kể hoạt động của lactase và sucrase trong niêm mạc hỗng tràng của heo con cai sữa. Biểu hiện mRNA của họ chất mang chất tan 6 thành viên 19 (SLC6a19), họ chất mang chất tan 1 thành viên 1 (SLC7a1), yếu tố hoại tử khối u-α (TNF-α), số lượng tế bào Ki67 dương tính và tốc độ rụng tế bào có một tuyến tính đáng kể ngược lại trong nhóm axit folic trong khẩu phần.
Kết luận: Những kết quả này chỉ ra rằng việc bổ sung axit folic có thể cải thiện hiệu suất tăng trưởng và hình thái ruột của heo con cai sữa do việc duy trì sự cân bằng của quá trình đổi mới tế bào biểu mô.
Wang L, Tan X, Wang H, Wang Q, Huang P, Li Y, Li J, Huang J, Yang H, Yin Y. Ảnh hưởng của việc thay đổi axit folic trong khẩu phần trong thời kỳ căng thẳng cai sữa của lợn con. Dinh dưỡng động vật. Năm 2021; 7 (1): 101-110. https://doi.org/10.1016/j.aninu.2020.12.002
Nguồn: Pig333
Biên dịch: Acare VN Team

Dự báo cung cầu ngũ cốc toàn cầu niên vụ 2022-23
Mặt hàng lúa mỳ:
Theo báo cáo mới nhất của USDA, dự báo về sản lượng lúa mì toàn cầu niên vụ 2022/23 đạt 782,7 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với dự báo trước và tăng 3 triệu tấn so với niên vụ 2021/22. Trong đó, Trung Quốc vượt EU trở thành nước có sản lượng lúa mỳ cao nhất thế giới, đạt 138 triệu tấn, tương đương với dự báo trước và tăng 1,1 triệu tấn so với niên vụ trước.
EU là khu vực có sản lượng lúa mỳ cao thứ 2 thế giới, đạt 134,3 triệu tấn, giảm 0,5 triệu tấn so với dự báo trước và giảm 4 triệu tấn so với niên vụ trước. Tiếp theo là sản lượng của Ấn Độ đạt 103 triệu tấn, giảm 6,6 triệu tấn so với niên vụ trước; Ucraina giảm 12,5 triệu tấn so với niên vụ trước, đạt 20,5 triệu tấn…
Sản lượng lúa mỳ của một số nước tăng mạnh trong niên vụ 2022/23 như: Sản lượng của Canada đạt 35 triệu tấn, tăng 13,3 triệu tấn; Nga đạt 91 triệu tấn, tăng 15,8 triệu tấn; Mỹ đạt 44,9 triệu tấn, tăng 0,1 triệu tấn so với niên vụ trước…
Thương mại lúa mỳ toàn cầu trong niên vụ 2022/23 dự kiến đạt 206,6 triệu tấn, giảm 1,1 triệu tấn so với dự báo trước nhưng tăng 1,5 triệu tấn so với niên vụ 2021/22.
Trong đó, lượng lúa mỳ xuất khẩu của một số khu vực tăng so với niên vụ trước như: EU đạt 35 triệu tấn, tăng 3,1 triệu tấn; Canada đạt 26 triệu tấn, tăng 11 triệu tấn; Nga đạt 42 triệu tấn, tăng 9 triệu tấn và Australia đạt 27 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với niên vụ trước.
Lượng xuất khẩu lúa mỳ của một số nước giảm so với niên vụ trước như: Achentina giảm 7,7 triệu tấn, đạt 10 triệu tấn; Ucraina giảm 7,6 triệu tấn, đạt 11 triệu tấn; Ấn Độ đạt 3 triệu tấn, giảm 7,6 triệu tấn…
Về nhập khẩu, Ai Cập là nước nhập khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, dự kiến đạt 11 triệu tấn trong niên vụ 2022/23, giảm 0,5 triệu tấn so với niên vụ trước; Tiếp đến là Indonesia đạt 10,7 triệu tấn, tương đương với niên vụ trước; Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu 10 triệu tấn, tăng 0,45 triệu tấn; Trung Quốc nhập khẩu 9,5 triệu tấn, giảm nhẹ so với niên vụ trước…
USDA dự báo tiêu thụ lúa mì toàn cầu niên vụ 2022/23 đạt 791,2 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với dự báo trước nhưng giảm 2,6 triệu tấn so với niên vụ trước. Cụ thể: Tiêu thụ lúa mỳ của EU đạt 109,3 triệu tấn, giảm 0,4 triệu tấn so với dự báo trước nhưng tăng 1 triệu tấn so với niên vụ 2021/22; Tiêu thụ của Ấn Độ đạt 104,5 triệu tấn, giảm 5,9 triệu tấn so với niên vụ trước; Tiêu thụ của Mỹ đạt 29,7 triệu tấn, giảm 0,7 triệu tấn so với niên vụ trước. Bên cạnh đó, tiêu thụ lúa mỳ của Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ lúa mỳ lớn nhất thế giới giảm 4 triệu tấn trong niên vụ 2022/23, xuống còn 144 triệu tấn.
Tồn kho lúa mì toàn cầu trong niên vụ 2022/23 dự kiến đạt 267,8 triệu tấn, tăng 0,3 triệu tấn so với dự báo trước và tăng 0,5 triệu tấn so với niên vụ 2021/22. Trong đó, tồn kho lúa mì tại Trung Quốc dự kiến đạt 144,4 triệu tấn, tăng 2,6 triệu tấn so với niên vụ trước.
Tồn kho lúa mì của Mỹ trong niên vụ 2022/23 cũng giảm xuống mức 15,5 triệu tấn, giảm 2,7 triệu tấn so với niên vụ trước. Tồn kho lúa mỳ của Ấn Độ đạt 12 triệu tấn, giảm 7,5 triệu tấn so với niên vụ trước.
Mặt hàng ngô:
Theo báo cáo mới nhất của USDA, dự báo về sản lượng ngô toàn cầu niên vụ 2022/23 đạt 1,17 tỷ tấn, tương đương với dự báo trước nhưng giảm so với 1,22 tỷ tấn của niên vụ 2021/22. Trong đó, sản lượng ngô của Mỹ cao nhất thế giới, đạt 353,8 triệu tấn, tăng 0,8 triệu tấn so với dự báo trước nhưng giảm 29 triệu tấn so với niên vụ trước.
Trung Quốc là khu vực có sản lượng ngô cao đứng thứ 2 thế giới, đạt 274 triệu tấn, tương đương với dự báo trước và tăng 1,4 triệu tấn so với niên vụ trước. Tiếp theo là sản lượng của Braxin đạt 126 triệu tấn, tăng 10 triệu tấn so với niên vụ trước; Achentina tăng 3,5 triệu tấn so với niên vụ trước, đạt 55 triệu tấn…
Thương mại ngô toàn cầu trong niên vụ 2022/23 dự kiến đạt 183,5 triệu tấn, giảm 1,3 triệu tấn so với dự báo trước và giảm 9,5 triệu tấn so với niên vụ 2021/22.
Trong đó, lượng ngô xuất khẩu của một số khu vực tăng so với niên vụ trước như: Braxin đạt 46,5 triệu tấn, tăng 14,1 triệu tấn; Achentina đạt 40 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn so với niên vụ trước…
Lượng xuất khẩu ngô của một số nước giảm mạnh so với niên vụ trước như: Mỹ giảm 6 triệu tấn, đạt 57 triệu tấn; Ucraina giảm 11,5 triệu tấn, đạt 15,5 triệu tấn; EU đạt 2,7 triệu tấn, giảm 3,3 triệu tấn…
Về nhập khẩu, EU vượt Trung Quốc là nước nhập khẩu ngô lớn nhất thế giới, dự kiến đạt 20 triệu tấn trong niên vụ 2022/23, tương đương với niên vụ trước; Tiếp đến là Trung Quốc đạt 18 triệu tấn, giảm 3,9 triệu tấn so với niên vụ trước; Mêhicô nhập khẩu 17,7 triệu tấn, tăng 0,1 triệu tấn; Nhật Bản nhập khẩu 15 triệu tấn, tương đương với niên vụ trước…
USDA dự báo tiêu thụ ngô toàn cầu niên vụ 2022/23 đạt 1,18 tỷ tấn, tăng nhẹ so với dự báo trước nhưng giảm so với 1,2 tỷ tấn so với niên vụ trước. Cụ thể: Tiêu thụ ngô của Mỹ đạt 305,4 triệu tấn, tăng 0,6 triệu tấn so với dự báo trước nhưng giảm 11,7 triệu tấn so với niên vụ 2021/22; Tiêu thụ ngô của Trung Quốc đạt 295 triệu tấn, tăng 4 triệu tấn so với niên vụ trước; Tiêu thụ của Braxin đạt 77 triệu tấn, tăng 4 triệu tấn so với niên vụ trước…
Tồn kho ngô toàn cầu trong niên vụ 2022/23 dự kiến đạt 300,8 triệu tấn, giảm 0,3 triệu tấn so với dự báo trước nhưng tăng 6,9 triệu tấn so với niên vụ 2021/22. Trong đó, tồn kho ngô tại Trung Quốc dự kiến đạt 206,1 triệu tấn, giảm 3 triệu tấn so với niên vụ trước. Tồn kho ngô của Mỹ trong niên vụ 2022/23 cũng giảm xuống mức 30 triệu tấn, giảm 5 triệu tấn so với niên vụ trước. Tồn kho ngô của Ucraina đạt 9,9 triệu tấn, tăng 5,3 triệu tấn so với niên vụ trƣớc.
Xuất khẩu ngũ cốc Ucraina giảm 31,7%:
Theo Bộ Nông nghiệp Ucraina, lượng xuất khẩu ngũ cốc của nước này đạt gần 16,2 triệu tấn trong vụ mùa 2022/23 cho đến nay, giảm 31,7% so với 23,8 triệu tấn xuất khẩu cùng kỳ vụ mùa trước. Trong đó, lượng xuất khẩu gồm gần 6,3 triệu tấn lúa mì; 8,6 triệu tấn ngô và 1,3 triệu tấn đại mạch.
Chính phủ Ucraina dự kiến có thể thu hoạch từ 50 – 52 triệu tấn ngũ cốc trong năm 2022, giảm so với mức kỉ lục 86 triệu tấn năm 2021 do xung đột khiến diện tích canh tác bị thu hẹp và sản lượng thấp hơn.
Xuất khẩu ngũ cốc của Ucraina được khôi phục từ cuối tháng 7/2022 sau khi thỏa thuận mà Ucraina và Nga ký kết thông qua vai trò trung gian của Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ có hiệu lực, khai thông việc vận chuyển ngũ cốc của Ucraina từ 3 cảng trên Biển Đen sau 6 tháng bị phong tỏa.

Xử phạt 30 cơ sở chăn nuôi heo 4,7 tỷ đồng vì gây ô nhiễm môi trường
Sau khi người dân phản ánh về việc các cơ sở, trang trại nuôi heo gây ô nhiễm môi trường khiến cho cuộc sống đảo lộn, Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Bình Phước đã phối hợp với các đơn vị kiểm tra, phát hiện và xử phạt nhiều cơ sở.
Bình Phước hiện có 375 trại chăn nuôi heo đang hoạt động, trong đó 161 trại heo công nghiệp quy mô lớn thuộc thẩm quyền quản lí cấp tỉnh; 214 trại nhỏ, hộ gia đình do huyện quản lí. Trong số 375 trại chăn nuôi heo đã có 85 dự án được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành; 14 dự án được UBND tỉnh cấp Giấy phép môi trường; 23 dự án đang hoàn thiện thủ tục, hồ sơ cấp Giấy phép môi trường.
Quyết định xử phạt của UBND tỉnh Bình Phước đối với một trang trại gây ô nhiễm. (Ảnh: KĐ).
Sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Phước đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các trang trại chăn nuôi heo. Qua kiểm tra đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 30 trang trại, cơ sở chăn nuôi heo với số tiền phạt 4,7 tỷ đồng.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này tiếp tục phối hợp với các đơn vị rà soát, yêu cầu các trang trại đang xây dựng phải hoàn thiện các công trình xử lý chất thải và chỉ được hoạt động sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, cấp phép. Đối với các cơ sở đã hoạt động nhưng chưa hoàn thiện các công trình xử lý chất thải sẽ xử phạt và phải xây dựng, cải tạo hoàn thiện các công trình xử lý để được kiểm tra, cấp phép.
Đối với các trang trại sẽ được các đơn vị đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên phun chế phẩm sinh học khử mùi, giảm thiểu mùi hôi phát tán ra môi trường xung quanh. Đối với cơ sở tái diễn vi phạm về lĩnh vực môi trường bị đề nghị đình chỉ hoạt động.
Sở cũng phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường của các cấp, các ngành, các chủ trang trại; khuyến khích người dân cùng tham gia giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi./.
Nguồn: Thiên Lý/VOV-TP.HCM

Hà Nội Ngăn chặn thực phẩm bẩn những ngày cận Tết
Các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội liên tục phát hiện những vụ buôn bán vận chuyển thực phẩm bẩn như nầm lợn, nội tạng động vật, trứng non, thịt gia súc… quá hạn sử dụng, bốc mùi hôi thối…
Đội Quản lý thị trường số 9 – Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Đội 5 – Phòng Cảnh sát môi trường – Công an TP. Hà Nội vừa phát hiện và thu giữ khoảng 1,3 tấn nội tạng động vật có dấu hiệu bị phân hủy đang trên đường đi tiêu thụ.
Theo đó, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra đột xuất xe tải mang BKS 29H -17814 đang dừng đỗ tại trước số nhà 50 ngõ 28 Xuân La, phường Xuân La, quận Tây Hồ. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được bất kì hóa đơn chứng từ liên quan đến nguồn gốc số nầm lợn, trứng non đông lạnh.
Theo đại diện Đội 5, Phòng Cảnh sát môi trường – công an thành phố Hà Nội, nếu không được phát hiện kịp thời, số nội tạng động vật này có thể sẽ được tiêu thụ tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Nầm lợn thối đang được mang đi tiêu thụ
Toàn bộ số nội tạng động vật trên xe đều có dấu hiệu trong trạng thái phân hủy, không đảm bảo chất lượng, bốc mùi hôi thối.
Cũng liên quan đến thực phẩm bẩn, trong tháng 10/2022 Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đã thu giữ gần 100 tấn thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc.
Theo đó, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an chủ trì phối hợp cùng Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội tiến hành kiểm tra kho hàng tại Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội.
Tại thời điểm kiểm tra kho hàng, lực lượng chức năng phát hiện trong kho tập kết các mặt hàng thực phẩm đông lạnh gồm thủ lợn, móng lợn, chân gà, thịt dê nguyên con, dạ dày lợn, ức vịt xông khói, lòng lợn, tai lợn…
Qua kiểm đếm phát hiện, nhiều sản phẩm hết hạn sử dụng đã 2 năm, có dấu hiệu của việc chờ dán hạn sử dụng mới để đưa ra thị trường tiêu thụ.
Nhằm ngăn chặn thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ ra tuồn thị trường dịp Tết, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã ban hành Kế hoạch triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023.
Kế hoạch nhằm mục tiêu bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023.
Cơ quan chức năng kiểm tra hàng hóa vi phạm bị phát hiện, bắt giữ
Các cơ quan liên ngành sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn.
Huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.
Đối tượng kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và các lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm… và các cơ sở dịch vụ ăn uống.
Nguồn: Tạp chí Kinh tế Việt Nam

Thức ăn cho vịt con mới nở đến 20 ngày tuổi
Vịt con mới nở sức đề kháng kém, khả năng hấp thu dinh dưỡng chưa tốt, do đó cần nắm vững chế độ dinh dưỡng để vịt sinh trưởng và phát triển tốt.
Giai đoạn 1 - 3 ngày tuổi
Giai đoạn này cho vịt con tập ăn bằng bột ngô hoặc tấm gạo; Uống nước có pha B-Complex, Vmevit elextrolyte. Từ ngày thứ 2 có thể cho ăn cám hỗn hợp dành riêng cho vịt con mới nở. Trong giai đoạn này cần cung cấp nước sạch đầy đủ cho vịt con.
Thường cho vịt ăn cơm, ngô mảnh, mì hạt nấu chín. Những người chuyên nuôi vịt thường cho vịt con uống nước lá hành, với tỷ lệ cứ 1 phần lá hành cho vào 50 - 60 phần nước. Thức ăn tinh dùng cho vịt con ở giai đoạn này chủ yếu là gạo (với khẩu phần 3 - 4 kg cho 100 con). Thức ăn nấu xong để nguội, đổ ra rá cho nước vào rồi bóp tơi ra cho hết nhựa dính, để ráo nước rồi mới cho vịt ăn. Khi cho vịt ăn thì trải cót, đặt nong (hoặc trải vải nilông) rồi đổ đều thức ăn để vịt ăn không bị vãi. Không nên đổ cả thức ăn một lần cho một bữa mà rắc một ít, khi vịt ăn gần hết lại rắc tiếp để kích thích chúng ăn được nhiều và không giẫm đập lên làm bết bẩn thức ăn.
Mỗi ngày nên cho vịt ăn 4 - 5 bữa, trong đó có 1 bữa vào lúc 21h30. Sau mỗi bữa ăn cần cho vịt uống nước sạch hoặc uống nước lá hành. Trong giai đoạn này người ta thường không cho vịt ăn thêm thức ăn đạm (mồi).
Giai đoạn 4 - 10 ngày tuổi
Khi nuôi vịt con có thể tập cho vịt con ăn thêm rau xanh trộn với cơm nấu chín. Bổ sung thêm chất tanh như bột tôm hay bột cá. Tuy nhiên bột tôm, cá có lượng muối khá cao nên cần trộn vừa phải không quá nhiều tránh ngộ độc muối. Tập cho vịt ăn thêm rau xanh, bèo tấm hoặc bí… trộn lẫn với cơm. Ngoài ra cho vịt ăn thức ăn đạm, nếu mồi là ốc thì phải luộc chín, nếu là cua thì giã nhỏ nấu với cơm, nếu là cá, tôm, tép thì băm nhỏ. Tập cho vịt ăn từ ít đến nhiều, tránh để vịt ăn quá nhiều một lúc khiến chúng bị bội thực. Thời gian này còn phải tập trung cho vịt xuống nước để tắm, những ngày đầu chỉ cho vịt xuống nước 5 - 10 phút, sau tăng dần đến 30 phút và ngày thứ 10 trở đi có thể cho vịt xuống nước tự do.
Cần nắm vững chế độ dinh dưỡng để vịt sinh trưởng và phát triển tốt. Ảnh: Farmhouseguide
Giai đoạn 11 - 16 ngày tuổi
Không cần phải nấu cơm, nấu chín mì hạt hoặc mảnh ngô nữa mà chỉ cần ngâm thức ăn hạt cho mềm. Đến ngày thứ 15 trở đi cho vịt ăn thóc luộc (thóc bung), có thể trộn thêm cám và rau xanh vào. Thời gian này vịt rất phàm ăn, vì vậy không nên cho ăn quá nhiều một lúc; Số bữa ăn sẽ giảm dần đến khi mỗi ngày chỉ cần cho ăn 2 bữa kết hợp với chăn thả ngoài đồng (để vịt tự kiếm thêm thức ăn). Tăng cường cho vịt ăn nhiều thức ăn đạm.
Giai đoạn 17 ngày trở đi
Thời gian này vẫn cho vịt ăn thóc bung và cho thêm lẫn thóc không bung vào. Đến ngày thứ 20 trở đi không cần phải luộc thóc nữa vì vịt đã quen thóc rồi (gọi là vịt đã “thuộc thóc”). Trong giai đoạn này vịt con cần bổ sung thêm chất tanh như cá, ốc, hến, cua… nên có thể thả vịt ra ao, hồ, đồng… để chúng tự kiếm thêm thức ăn. Khi vịt con được 20 ngày tuổi trở đi có thể cho vịt ăn thêm thóc.
Dụng cụ cho ăn
Máng ăn: Ở giai đoạn vịt con có thể dùng máng tôn kích thước dài 70 - 90 cm, rộng 50 cm vừa tầm 40 - 60 con/máng, mẹt tre hoặc tấm ni lông cho vịt ăn. Có thể xây bằng gạch hoặc bê tông cho vịt ăn tuy nhiên nên vệ sinh sạch sẽ máng ăn thường xuyên trước khi cho vịt ăn.
Máng uống: Giai đoạn 1 - 4 tuần tuổi có thể loai máng tròn 2 lít, vịt 5 - 12 tuần dùng máng 5 lít, dùng cho 20 - 30 con/máng cung cấp khoảng 0,3 - 0,5 lít nước/ngày. Máng ăn để cách xa máng uống tầm 2,5 m. Có thể dùng gạch xây máng uống cho vịt. Nhớ thường xuyên vệ sinh và cung cấp nước sạch cho máng uống.

Nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi lên tới 5,16 tỷ USD
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu về Việt Nam trong tháng 11/2022 đạt 650 triệu USD, tăng 61,7% so với tháng trước và tăng 78,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu lên tới 5,16 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2021…
Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.
Dự kiến lượng nhập khẩu nhóm hàng thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu về Việt Nam năm 2022 sẽ đạt gần 10 triệu tấn, trị giá 5,4 tỷ USD, giảm 4% về lượng nhưng tăng 8% về trị giá so với năm 2021.
Hơn 3,5 tỷ usd nhập khẩu đậu tương và khô dầu đậu tương
Trong số 5,16 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi lên tới gần 5 tỷ USD. Từ đầu năm 2022 đến nay, Việt Nam nhập khẩu 27 chủng loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Trong 11 tháng vừa qua, khối lượng đậu tương về Việt Nam đạt 1,7 triệu tấn, tiêu tốn 1,18 tỷ USD, giảm 9,8% về lượng nhưng tăng 7,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Lượng nhập khẩu đậu tương về Việt Nam trong những tháng tới dự kiến đạt từ 120- 160 nghìn tấn/tháng, với giá nhập khẩu từ 700 – 730 USD/tấn.
Việt Nam nhập khẩu đậu tương từ 5 thị trường, trong đó Braxin là thị trường cung cấp đậu tương lớn nhất, chiếm 70% tổng lượng đậu tương nhập khẩu và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2021. Dự báo đây sẽ là thị trường cung cấp đậu tương lớn nhất của Việt Nam trong năm 2022 và nửa đầu năm 2023, do nguồn cung dồi dào, giá cạnh tranh so với các thị trường cung cấp khác.
Lượng nhập khẩu đậu tương từ Braxin trong năm 2022 dự kiến đạt trên 1 triệu tấn, tăng 11% so với năm 2021. Mỹ là thị trường cung cấp đậu tương lớn thứ 2 cho Việt Nam, nhưng lượng nhập khẩu giảm mạnh, đạt 519 nghìn tấn, giảm 38,2% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 30,3% tỷ trọng nhập khẩu.
“Tính chung 11 tháng năm 2022, lượng nhập khẩu khô đậu tương về Việt Nam đạt 4,33 triệu tấn, tiêu tốn tới 2,44 tỷ USD, giảm 7,1% về lượng nhưng tăng 4,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 47% về lượng và 49% về trị giá trong tổng nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam”.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan.
Tuy nhiên, đậu tương chưa phải là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất về giá trị trong các nguyên liệu thức ăn gia súc, mà “vô địch” thuộc về khô dầu đậu tương.
Nguồn cung cấp chính khô đậu tương là Nam Mỹ và Mỹ. Giá nhập khẩu trung bình khô đậu tương trong tháng 10/2022 ở mức 587 USD/tấn, giảm 1,4% so với tháng trước nhưng tăng 25,2% so với tháng 10/2021. Lượng nhập khẩu khô đậu tương về Việt Nam trong năm 2022 dự kiến đạt 4,7 triệu tấn, trị giá 2,65 tỷ USD, giảm 6% về lượng nhưng tăng 6% về trị giá so với năm 2021.
Đối với mặt hàng khô dầu cọ, nhập khẩu trong 11 tháng đạt 515 nghìn tấn, trị giá 111 triệu USD, giảm 8,2% về lượng nhưng tăng 6,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường cung cấp chính mặt hàng khô dầu cọ là Indonesia (đạt 421,3 nghìn tấn) và Malaysia (đạt 27,4 nghìn tấn).
Trong 11 tháng qua, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đã nhập khẩu 237 nghìn tấn khô hạt cải, trị giá 91,5 triệu USD, giảm 15,8% về lượng và giảm 7,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường cung cấp chính mặt hàng khô hạt cải là Ấn Độ, UAE, Pakixtan…
Từ đầu năm đến nay, lượng dinh dưỡng gia súc nhập về Việt Nam đạt 1,23 triệu tấn, kim ngạch 460 triệu USD, tăng 0,8% về lượng và tăng 21,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Việt Nam đã nhập khẩu 521 nghìn tấn cám gạo, trị giá 112 triệu USD, tăng 1,8% về lượng và tăng 23,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường cung cấp chính mặt hàng này là Ấn Độ. Giá nhập khẩu trung bình cám gạo trong tháng 11/2022 ở mức 241 USD/tấn, tương đương với tháng trước và tăng 23,2% so với tháng 11/2021.
Nhập khẩu cám ngô cũng tăng mạnh, trong 11 tháng đã nhập 140 nghìn tấn, kim ngạch 43 triệu USD, tăng 6,2% về lượng và tăng 23,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường cung cấp chính mặt hàng cám ngô là Trung Quốc và Ấn Độ. Ngoài ra, nước ta nhập khẩu 354 nghìn tấn cám mỳ, giảm 16,9% so với cùng kỳ năm 2021. Nguồn cung cấp cám mỳ chủ yếu từ Tanzania, Indonesia…
Nhập khẩu bột cá trong 11 tháng đạt 110 nghìn tấn, kim ngạch 163 triệu USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường cung cấp chính mặt hàng này là Ấn Độ, Ôman, Pêru… Hiện giá nhập khẩu trung bình bột cá ở mức 1.522 USD/tấn.
Trong 11 tháng, các doanh nghiệp ngành thức ăn chăn nuôi cũng đã chi 503 triệu USD để nhập khẩu mặt hàng chất bổ trợ, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường cung cấp chính là Châu Á (Trung Quốc, Thái Lan…).
Lo ngại về bột thịt xương nhập khẩu
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng năm 2022, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu 724 nghìn tất bột thịt xương, tiêu tốn 402 triệu USD; tăng 17,1% về lượng và tăng 33,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá nhập khẩu trung bình bột thịt xương trong tháng 11/2022 ở mức 565 USD/tấn, tăng 7,8% so với tháng 11/2021.
EU là khối thị trường cung cấp lớn nhất mặt hàng bột thịt xương cho Việt Nam trong năm 2022 và nửa đầu năm 2023 do những ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) mang lại, các dòng thuế nhập khẩu hàng hóa hầu hết về 0%, nên giá nhập khẩu bột thịt xương từ EU sẽ ở mức cạnh tranh so với các thị trường cung cấp khác.
Nguồn:VnEconomy

Dự báo sản lượng thịt lợn của EU sẽ giảm đều trong thập kỷ tới
DỰ BÁO SẢN LƯỢNG THỊT LỢN CỦA EU SẼ GIẢM ĐỀU TRONG THẬP KỶ TỚI
Theo dự báo mới nhất của Ủy ban châu Âu, sản lượng thịt lợn của EU sẽ giảm 1%/năm trong 10 năm từ 2022 – 2032, tương đương 2,2 triệu tấn trong cả giai đoạn này.
Dự báo mức tiêu thụ thịt lợn của EU sẽ giảm 0,4%/năm, từ 32,4 kg/người năm 2022 xuống 31,1 kg năm 2032, giảm 4% trong cả giai đoạn này.
Xuất khẩu thịt lợn dự kiến sẽ giảm khi chăn nuôi của Trung Quốc phục hồi, với năng suất dự kiến sẽ phục hồi sớm hơn dự kiến ban đầu, do đó làm giảm đáng kể sự phụ thuộc vào nhập khẩu, mặc dù dịch tả ASF vẫn tiếp tục bùng phát.
Kết quả là, trong khi xuất khẩu của EU tăng 2,8% mỗi năm trong giai đoạn 2012-2022, thì dự báo sẽ giảm 3,2% mỗi năm trong thập kỷ tới.
Giá thịt lợn dự kiến sẽ vẫn ở mức thấp sau khi tăng đột biến vào năm 2022. Tuy nhiên, nhu cầu nhập khẩu của các nước, dịch tả ASF tiếp tục bùng phát ở châu Á và sản xuất tại thị trường EU điều chỉnh có thể làm chậm quá trình giảm giá cho đến năm 2025.
Giá thịt lợn tại thị trường EU dự kiến sẽ duy trì ở mức khoảng 1,50 Euro/kg từ năm 2025 đến năm 2032.
Sản xuất thịt bò dự kiến sẽ giảm, tổng sản lượng thịt bò của EU được dự đoán sẽ tiếp tục giảm xuống 0,6 triệu tấn (giảm 9%) vào năm 2032 do đàn bò giảm 2,8 triệu con (giảm 9,1%).
Trái ngược với xu hướng giảm trong những năm gần đây, sản lượng thịt cừu và thịt dê của EU dự kiến sẽ tăng nhẹ (tăng 0,2%/năm) cho đến năm 2032 (lên tới 645.000 tấn), do tình hình cung cầu trên thế giới chặt chẽ và giá cả thuận lợi cho các nhà sản xuất sẽ thúc đẩy sản lượng tăng.
Nguồn: Vinanet/VITIC/thepigsite

VIỆT NAM LIÊN TỤC GIẢM NHẬP KHẨU THỊT HEO
Riêng mặt hàng thịt heo, trong quý III Việt Nam nhập khẩu 31,76 ngàn tấn, trị giá 67,07 triệu USD, giảm 24,4% về lượng và giảm 30,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Theo Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) trong quý III giá heo hơi tại Việt Nam có xu hướng tăng so với quý trước và giá tăng cao nhất quý vào 20 ngày đầu tháng 7, sau đó giảm trở lại.
Về xuất khẩu, số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy trong quý III Việt Nam xuất khẩu 3,99 ngàn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 21,18 triệu USD, tăng 4,9% về lượng và tăng 22,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang các nước thuộc khu vực châu Á.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, thời gian qua, xuất khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam chưa tương xứng với sản lượng sản xuất hàng năm.
Hiện nay, lượng thịt heo xuất khẩu vẫn còn quá nhỏ so với tổng sản lượng xuất chuồng. Nguyên nhân do những hạn chế ở khâu chế biến, công tác dự báo thị trường cung cầu để điều tiết sản xuất cũng như phòng chống dịch bệnh chưa tốt.
Trong khi đó, giá thành sản xuất chăn nuôi heo ở Việt Nam cao so với mức bình quân trên thế giới. Do đó, giá thịt heo ở Việt Nam khó cạnh tranh với các nước khác.
Heo nhập khẩu đông lạnh được bày bán ở siêu thị.
Song song đó, giá thành nuôi heo ở Việt Nam cao do phụ thuộc đến 70% nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu mà chi phí này chiếm tới 65% – 70% cơ cấu giá thành nuôi heo.
Về nhập khẩu, số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy trong quý III Việt Nam nhập khẩu 191,58 ngàn tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 417,75 triệu USD, tăng 4,4% về lượng và tăng 24,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ thịt dự kiến sẽ tăng do nhu cầu thực phẩm tăng cao trong dịp cuối năm.
Trong quý III, Ấn Độ là thị trường cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam nhất với 37,35 ngàn tấn, trị giá 125,84 triệu USD, tăng 164,9% về lượng và tăng 180,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Riêng mặt hàng thịt heo, trong quý III Việt Nam nhập khẩu 31,76 ngàn tấn (HS 0203), trị giá 67,07 triệu USD, giảm 24,4% về lượng và giảm 30,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Thời gian qua, nhập khẩu thịt heo liên tục giảm so với cùng kỳ năm 2021 do nhu cầu phục hồi chậm. Braxin, Nga, Đức, Canada và Ba Lan là 5 thị trường cung cấp thịt heo lớn nhất cho Việt Nam.
Nguồn: Báo Pháp Luật

NGÀY 01/11/2022 – GIÁ SẢN PHẨM CHĂN NUÔI (TẠI TRẠI) CẢ NƯỚC
Giá sản phẩm chăn nuôi cả nước (tại trại) cập nhật ngày 01/11/2022, bao gồm: giá lợn hơi, giá gà hơi, giá vịt…
Nguồn: Channuoivietnam

Chấn chỉnh công tác cung ứng, sử dụng vaccine ASF
Ngày 25/8/2022, Cục Thú y ban hành Văn bản số 1350/TY-QLT về việc chấn chỉnh công tác cung ứng, sử dụng, giám sát sử dụng vaccine Dịch tả heo châu Phi (ASF) NAVET-ASFVAC.
Ngày 12/7/2022, Bộ NN&PTNT ban hành Công văn số 4463/BNN-TY gửi UBND các tỉnh, thành phố có nhu cầu sử dụng vaccine NAVET ASFVAC về việc tổ chức giám sát sử dụng vaccine phòng bệnh ASF NAVET-ASFVAC; Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, Cục Thú y ban hành Công văn số 692/TY-DT ngày 9/5/2022 và Công văn số 1060/TY-DT ngày 12/7/2022 hướng dẫn việc giám sát sử dụng vaccine phòng bệnh ASF NAVET-ASFVAC, trong đó đã nhấn mạnh để bảo đảm việc tiêm phòng vaccine ASF NAVET-ASFVAC an toàn, hiệu quả trong điều kiện chăn nuôi thực tế và trên diện rộng, Sở NN&PTNT, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các tỉnh, thành phố cần phối hợp với các đơn vị liên quan, Công ty Navetco tổ chức giám sát việc cung ứng, sử dụng, tổ chức giám sát sau tiêm phòng vaccine, cụ thể:
- Ðịa phương có nhu cầu sử dụng vaccine cần chủ động phối hợp với Công ty Navetco, các đơn vị thuộc Cục Thú y, các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương: (i) Tổ chức lựa chọn các cơ sở chăn nuôi heo để triển khai tiêm vaccine NAVET-ASFVAC cho đàn heo tại địa phương; (ii) Lập danh sách gồm thông tin cụ thể về các địa phương, cơ sở chăn nuôi heo có nhu cầu sử dụng vaccine NAVET-ASFVAC, lựa chọn các cơ sở chăn nuôi để thực hiện việc lấy mẫu giám sát, gửi Cục Thú y để phối hợp tổ chức giám sát; (iii) Thống nhất với chủ cơ sở chăn nuôi heo để các cán bộ thú y trực tiếp giám sát việc tiêm phòng, giám sát lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm (có Giấy cam kết sử dụng vaccine của cơ sở chăn nuôi); (iv) Hướng dẫn cụ thể thời gian, tuổi heo để tiêm phòng mũi 1, mũi 2; Hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi heo tổ chức tiêm vaccine; Chuẩn bị đầy đủ phương án, dụng cụ, nguyên vật liệu cần thiết, lập kế hoạch, kinh phí để ứng phó, khắc phục, xử lý các vấn đề, sự cố phát sinh không mong muốn do sử dụng vaccine NAVET-ASFVAC;
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai tiêm vaccine NAVET-ASFVAC để phòng, chống dịch bệnh ASF trên đàn heo tại địa phương; Phân công lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật phối hợp, hướng dẫn chủ cơ sở chăn nuôi hằng ngày theo dõi, giám sát lâm sàng, ghi chép thông tin về tình trạng sức khỏe đàn heo sau tiêm phòng; Tổ chức lấy mẫu để xét nghiệm, đánh giá hiệu quả sử dụng vaccine;
Vaccine Dịch tả heo châu Phi NAVET-ASFVAC của Công ty Navetco. Ảnh: Vir.com
- Ðịa phương có nhu cầu sử dụng vaccine chủ động phối hợp với Công ty Navetco, Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương, các Chi cục Thú y vùng để thống nhất kế hoạch lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu gửi mẫu giám sát sau tiêm phòng đến các phòng thí nghiệm thuộc Cục Thú y;
- Phối hợp với Công ty Navetco và các đơn vị, cá nhân liên quan để ứng phó, khắc phục, xử lý các vấn đề, sự cố phát sinh không mong muốn do sử dụng vaccine ASF NAVET-ASFVAC. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế của các Cục Thú y tại một số tỉnh đã sử dụng vaccine NAVET-ASFVAC và phát hiện nhiều tồn tại, bất cập, có sự buông lỏng trong quản lý, phân phối, tổ chức tiêm phòng và giám sát sử dụng vaccine NAVET-ASFVAC, không thực hiện đúng theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, hướng dẫn của Cục Thú y và hướng dẫn sử dụng vaccine của nhà sản xuất, dẫn đến tình trạng người dân, cán bộ thú y cơ sở tự ý tiêm không đúng đối tượng heo được chỉ định (heo thịt từ 8 - 10 tuần tuổi), không thực hiện nghiêm các biện pháp vệ sinh, sát trùng, sử dụng chung kim tiêm, dẫn đến lây lan virus ASF trong quá trình tiêm (xảy ra hiện tượng heo chết khư trú nhiều ở một số vùng).
Ðể khắc phục, chấm dứt ngay tình trạng nêu trên, Cục Thú y đề nghị Sở NN&PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh, thành phố và Công ty Navetco nghiêm túc chấn chỉnh việc cung ứng, quản lý, sử dụng và giám sát sử dụng vaccine NAVET-ASFVAC, cụ thể sau đây:
1. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ NN&PTNT về việc tổ chức giám sát sử dụng vaccine phòng bệnh ASF NAVET-ASFVAC; Hướng dẫn của Cục Thú y về việc hướng dẫn tổ chức giám sát sau tiêm phòng vaccine ASF NAVET-ASFVAC.
2. Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, nghiêm túc rút kinh nghiệm của Công ty Navetco, các cơ quan liên quan của địa phương về việc không tuân thủ nghiêm chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, hướng dẫn của Cục Thú y, dẫn đến mở rộng đối tượng tiêm vaccine nhưng không có hướng dẫn sử dụng, không có giám sát của cơ quan thú y, để xảy ra tình trạng sử dụng vaccine ASF NAVET-ASFVAC tiêm cho các đối tượng heo không được chỉ định, gây ra hậu quả làm chết heo.
3. Công ty Navetco:
a) Báo cáo đầy đủ, chính xác về tình hình cung ứng, sử dụng và giám sát sau tiêm phòng vaccine theo đúng chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, hướng dẫn của Cục Thú y;
b) Tập trung cùng với các địa phương hoàn thành việc hỗ trợ kinh phí, xử lý các trường hợp có heo chết; Bố trí lực lượng cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm tại Bình Ðịnh và Phú Yên để tổ chức khắc phục sự cố;
c) Khẩn trương rà soát, xác định nguyên nhân, sự bất thường trong quá trình triển khai sử dụng vaccine ASF (bảo quản, vận chuyển, cung ứng, tổ chức tiêm vaccine tại thực địa);
d) Kịp thời hỗ trợ, cung ứng thuốc, hóa chất sát trùng, tiêu độc cho các địa phương, các hộ chăn nuôi có heo phản ứng, chết sau khi sử dụng vaccine.
4. Ðối với các địa phương xảy ra sự cố sau tiêm phòng:
a) Tạm dừng việc triển khai sử dụng vaccine NAVET-ASFVAC để tập trung nguồn lực xử lý các vấn đề phát sinh;
b) Thống kê chính xác số lượng, chủng loại heo có phản ứng, chết sau tiêm phòng; Thực hiện vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, xử lý dịch bệnh theo quy định;
c) Chỉ đạo, hướng dẫn người dân không bán chạy, giết mổ, tiêu thụ heo bệnh, chết; Không vứt xác heo chết ra môi trường;
d) Tiếp tục theo dõi, giám sát, lấy mẫu các trường hợp heo phản ứng, chết sau tiêm vaccine để xác định nguyên nhân;
đ) Kịp thời báo cáo đầy đủ, chính xác về tình hình sử dụng và giám sát sau tiêm phòng vaccine về Cục Thú y.
5. Các phòng, đơn vị thuộc Cục Thú y:
a) Rà soát, đánh giá lại chất lượng các lô vaccine đã sử dụng tại các địa phương có sự cố phản ứng sau tiêm; Tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm, phân tích chuyên sâu (mẫu heo bệnh, heo sau tiêm vaccine, mẫu vaccine) để có cơ sở kết luận chính xác nguyên nhân;
b) Phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương và Công ty Navetco để khắc phục sự cố tại các địa phương đã tiêm vaccine có heo phản ứng sau tiêm phòng.
Nguồn: Người chăn nuôi

CHĂN NUÔI THÔNG MINH SẼ NGÀY CÀNG MỞ RỘNG
Chăn nuôi gia cầm thông minh được hỗ trợ bởi các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), cảm biến và phần mềm. Chúng cho phép khai thác dữ liệu trên nhiều thông số khác nhau như nhiệt độ, độ ẩm, mức amoniac và lượng thức ăn nạp vào…
Ngoài mục đích tăng năng suất chăn nuôi, giảm rủi ro dịch bệnh, chăn nuôi gia cầm thông minh cũng giúp tiết kiệm lao động hơn. Với những lợi ích này, chăn nuôi gia cầm thông minh chắc chắn sẽ sớm thành công và ngày càng mở rộng. Hơn nữa, chi phí cho các công nghệ như thiết bị IoT và mạng internet dần hợp lý hơn, mở ra cơ hội tiếp cận cho các hãng sản xuất quy mô vừa và nhỏ nắm bắt công nghệ mới.
Chăn nuôi gia cầm thông minh đã thổi một làn gió mới vào ngành công nghiệp gia cầm châu Á. Tại Indonesia, công ty khởi nghiệp công nghệ nông nghiệp Integrasi Teknologi Unggas đã phối hợp với Khoa Khoa học Ðộng vật, Ðại học Gadjah Mada để phát triển BroilerX, một giải pháp kỹ thuật số tích hợp cho ngành gia cầm. Công nghệ này giúp người chăn nuôi gà thịt nâng cao hiệu quả sản xuất. BroilerX có 4 cảm biến môi trường tự động ghi dữ liệu bao gồm nhiệt độ, độ ẩm, CO2 và amoniac. Nền tảng này có hệ thống cảnh báo sớm kích hoạt trên ứng dụng trong thời gian thực. Nhờ đó, nông dân nuôi gia cầm tại Indonesia có thể giải quyết các vấn đề sản xuất ngay lập tức. Họ có thể ghi lại dữ liệu từ lúc gà con đến lúc thu hoạch một cách nhanh chóng và dễ dàng. Các thông tin như lượng thức ăn ăn vào, tỷ lệ chuyển đổi thức ăn và giá vốn hàng bán sẽ được xử lý tự động. Hay tại Thái Lan, Thaifoods Group đang triển khai các công nghệ kỹ thuật số như IoT trong trang trại chăn nuôi gà ở tỉnh Kanchanaburi.
Tuy nhiên tại châu Á, chỉ có các hãng sản xuất lớn và các trang trại chăn nuôi quy mô công nghiệp mới đầu tư vào công nghệ mới như máng ăn và hệ thống vòi uống tự động, hệ thống thông gió, chiếu sáng, cân, phần mềm quản lý và IoT. Nhiều nông dân vẫn chưa quen với công nghệ kỹ thuật số và họ có xu hướng ghi dữ liệu theo cách thủ công nên cần phải đơn giản hóa việc thu thập và xử lý dữ liệu. Công nghệ dễ sử dụng và giá rẻ hơn so với các sản phẩm tương tự được sản xuất ở nước ngoài sẽ là một điểm cộng. Do đó, các hãng cung cấp hệ thống chăn nuôi thông minh phải sẵn sàng hỗ trợ giải quyết vấn đề kết nối internet còn nhiều bất cập ở những vùng sâu, vùng xa, thường là địa điểm phù hợp để xây dựng trang trại chăn nuôi. Ðồng thời cũng cần tập trung vào công tác đào tạo để đảm bảo công nghệ mới được vận hành hiệu quả.
Hiện nay, nhiều trang trại và công ty lớn tại châu Á đã cài đặt phần mềm quản lý và IoT. Nhưng tỷ suất lợi nhuận của ngành chăn nuôi gia cầm hiện đang eo hẹp nên một số nhà sản xuất đang cân nhắc lợi nhuận trước khi đưa ra quyết định đầu tư mới. Tuy nhiên, về lâu dài, đầu tư vào công nghệ mới sẽ là xu hướng tất yếu, vì nó giúp người sản xuất giảm thiểu rủi ro dịch bệnh, giải quyết tình trạng thiếu lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo lợi thế cạnh tranh. Chi phí cho các công nghệ như thiết bị IoT và mạng sẽ rẻ hơn và nhiều trang trại sẽ sử dụng IoT để cải thiện năng suất, ngăn ngừa dịch bệnh, nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng lợi nhuận.
Nguồn: Người chăn nuôi
TRIỂN LÃM CHUYÊN NGÀNH
