Chăn nuôi vịt nói chung và vịt thịt nói riêng thì khâu chọn vịt giống đóng vai trò vô cùng quan trọng, quyết định đến sự phát triển, kinh phí thức ăn, quản lý dịch bệnh và thành công trong một vụ nuôi.
Nguồn gốc
Cần phải mua vịt giống ở cơ sở có nguồn gốc rõ ràng, uy tín để đảm bảo chất lượng. Tránh mua lẻ tẻ, mua ngoài chợ vì sẽ không đảm bảo được hiệu quả và sự phát triển lâu dài.
Không nên mua vịt con từ đàn vịt bố mẹ tự giao với nhau vì chúng thường ít được hưởng ưu thế lai từ bố mẹ. Bởi, thông thường vịt thương phẩm rất nhanh lớn chỉ cần nuôi khoảng 56 ngày đã đạt đến 3 kg/con và tỷ lệ rất đồng đều. Nhưng ngược lại với vịt con thương phẩm không rõ nguồn gốc hoặc từ bố mẹ không thuần thì phải nuôi 75 – 80 ngày mới có thể đạt được khoảng 3 kg.
Dựa vào cân nặng
Thường với mỗi giống vịt khác nhau thì sẽ có mức cân nặng khác nhau. Trước khi mua giống vịt nào cần tìm hiểu cân nặng của giống vịt đó để có được chọn lựa chuẩn xác. Chọn những con vịt có cân nặng vừa phải, cầm chắc tay. Những con vịt có kích thước và khối lượng đồng đều, không quá to hoặc quá bé khi nuôi sẽ rất nhanh lớn mà không tốn nhiều thức ăn.
Khâu chọn giống đóng vai trò vô cùng quan trọng quyết định sự thành công trong chăn nuôi vịt.
Dựa vào độ nhanh nhạy
Cần phải coi tốc độ nhanh nhạy của vịt có tốt hay không. Những con vịt phản xạ tốt chứng tỏ thể trạng khỏe mạnh, được ấp ở nhiệt độ thích hợp. Thể trạng khỏe mạnh sẽ giúp vịt ít bệnh tật, ham ăn uống và nhanh lớn. Có thể kiểm tra bằng cách đặt 1 con vịt nằm ngửa trên lòng bàn tay trong khoảng 5 giây nó đã tự đứng dậy được nghĩa là phản xạ tốt. Còn với những con mất khoảng 13 giây mới đứng dậy thì nó phản xạ yếu và không nên mua.
Dựa vào quan sát bên ngoài
Chọn vịt con khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Lông bông, mắt sáng, bụng gọn, chân mập, cứng cáp, dáng đi vững vàng, có màu sắc lông tơ đặc trưng của giống. Nên đưa vịt con xuống chuồng nuôi trước 24 giờ tính từ lúc nở ra.
Bụng: Nên chọn vịt có bụng thon, không nên chọn những con bụng to nặng nề vì có thể nó bị kém đường tiêu hóa. Những con vịt này sẽ rất khó nuôi đồng thời khả năng di chuyển, sự nhanh nhạy của nó cũng không tốt.
Rốn: Chọn giống vịt với rốn đã khô ráo và không bị sưng đỏ hay nhiễm trùng. Bởi vì những con vịt với rốn như vậy sẽ khó khăn trong việc nuôi về sau vì đường tiêu hóa của nó sẽ không tốt.
Mắt: Chọn mua vịt con mắt sáng. Có như thế mới đảm bảo nhanh nhẹn và có sức khỏe tốt cùng với khả năng chống lại bệnh tật cao, việc kiếm mồi cũng diễn ra tốt hơn và vịt sẽ phát triển một cách tự nhiên hơn.
Mỏ: Chọn mua vịt có mỏ tốt vì có như vậy mới đảm bảo rằng việc ăn uống tốt, giúp cho vịt nhanh lớn. Với những con vịt có mỏ bị dị tật sẽ rất khó khăn trong việc ăn uống nên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng về sau.
Lông: Chọn vịt có lông mượt mà, đây là yếu tố chứng tỏ con vịt này có sức khỏe tốt để trong tương lai phát triển tốt hơn.
Chân: Chọn những con chân đều, không bị dị tật để giúp việc đi lại, bơi lội diễn ra bình thường. Những con vịt bị dị tật hoặc có vấn đề về chân thì khó có thể phát triển tốt được.
Cánh: Cần phải tìm hiểu về cánh của vịt có ôm vào thân không. Cánh có bị gãy hay bị bất cứ dị tật nào hay không. Cánh tốt và phát triển đều cũng là minh chứng cho sự khỏe mạnh.
Dựa vào gen
Người nuôi đừng quên tìm hiểu giống của loại vịt này như thế nào, công thức lai giống nếu có ra sao. Cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng để đảm bảo rằng vịt giống sẽ có sự phát triển tốt nhất ở tương lai.
Nguồn: Người chăn nuôi