Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký ban hành Nghị định số 46/2022/NĐ-CP ngày 13-7-2022 (Nghị định số 46) sửa đổi Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21-1-2020 (Nghị định số 13) hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi.
Trong đó có một số quy định mới có liên quan đến các trường hợp nhập khẩu thức ăn chăn nuôi được miễn kiểm tra chất lượng, quy định mới kiểm tra Nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu sau thông quan…
Nghị định số 46 đã bổ sung mới khoản 6, Điều 18, Nghị định số 13 quy định về 9 trường hợp được miễn kiểm tra Nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi khi nhập khẩu, gồm: Thức ăn chăn nuôi tạm nhập tái xuất, tái nhập khẩu để tái chế theo yêu cầu của đối tác nước ngoài; Thức ăn chăn nuôi quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển; Thức ăn chăn nuôi từ nước ngoài gửi kho ngoại quan; Thức ăn chăn nuôi để trưng bày tại hội chợ, triển lãm, quảng cáo; Thức ăn chăn nuôi làm mẫu phân tích tại các phòng thử nghiệm; Thức ăn chăn nuôi làm mẫu để thử nghiệm phục vụ khảo nghiệm, giám định, chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, thử nghiệm liên phòng; Thức ăn chăn nuôi phục vụ nghiên cứu khoa học; Thức ăn chăn nuôi của người nhập cảnh trong định mức miễn thuế; Thức ăn chăn nuôi nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nghị định số 46 đã bổ sung mới khoản 6, Điều 18, Nghị định số 13 quy định về 9 trường hợp được miễn kiểm tra Nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi khi nhập khẩu. Ảnh minh họa: thoibaotaichinhvietnam.vn
Đồng thời, Nghị định số 46 đã bổ sung mới Điều 18a, Nghị định số 13 quy định về kiểm tra Nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu sau thông quan. Theo đó, cơ quan kiểm tra sẽ tổ chức thực hiện kiểm tra Nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu sau thông quan kết hợp với hoạt động kiểm tra tại cơ sở sản xuất, cơ sở mua bán, cơ sở nhập khẩu, cơ sở sử dụng thức ăn chăn nuôi. Việc kiểm tra sẽ được tổ chức định kỳ hàng năm với tần suất không quá 1 lần đối với 1 sản phẩm thức ăn chăn nuôi nhập khẩu có cùng nguồn gốc xuất xứ; không quá 1 lần đối với 1 đơn vị nhập khẩu.
Bên cạnh đó, quy định mới về xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi đã được Nghị định số 46 bổ sung vào Nghị định số 13 tại Điều 32d. Theo đó, hồ sơ, chất lượng sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi xuất khẩu theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân, nước nhập khẩu, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan. Sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi nhập khẩu phải được kiểm tra Nhà nước về chất lượng theo quy định tại khoản 1, Điều 32đ, Nghị định số 13.
Các trường hợp không phải kiểm tra Nhà nước về chất lượng gồm: Hàng mẫu, hàng giới thiệu tại triển lãm, hội chợ, quà biếu; hàng hóa tạm nhập, tái xuất; hàng quá cảnh chuyển khẩu; hàng gửi kho ngoại quan; hàng doanh nghiệp Việt Nam gia công cho thương nhân nước ngoài; các sản phẩm nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tổ chức, cá nhân được nhập khẩu sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi có hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật thuộc Danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật được sử dụng trong sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi tại Việt Nam.
Trường hợp nhập khẩu sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi có chứa chất mới để khảo nghiệm, nghiên cứu khoa học, trưng bày tại hội chợ, triển lãm, làm mẫu phân tích tại phòng thử nghiệm hoặc sản xuất, gia công nhằm mục đích xuất khẩu phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép.
Một điểm đáng chú ý là quy định về trình tự kiểm tra Nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tại khoản 4, Điều 18, Nghị định số 13 đã được Nghị định số 46 sửa đổi, bổ sung chi tiết và cụ thể hơn. Theo đó, tổ chức, cá nhân gửi 1 bộ hồ sơ theo quy định đến cơ quan kiểm tra. Cơ quan kiểm tra sẽ trả lời tính đầy đủ của hồ sơ trong thời hạn 1 ngày làm việc, thẩm định nội dung hồ sơ trong 3 ngày làm việc.
Đối với thức ăn chăn nuôi truyền thống, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, tổ chức, cá nhân được phép thông quan ngay sau khi hoàn tất thủ tục hải quan. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày thông quan lô hàng, tổ chức, cá nhân nộp kết quả đánh giá sự phù hợp cho cơ quan kiểm tra. Tổ chức, cá nhân phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về kết quả tự đánh giá sự phù hợp và bảo đảm lô hàng phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng. Trường hợp lô hàng có kết quả kiểm tra không phù hợp, tổ chức, cá nhân phải báo cáo cơ quan kiểm tra hoặc tổ chức chứng nhận hợp quy phải thông báo cho cơ quan kiểm tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với thức ăn chăn nuôi không thuộc trường hợp nêu trên, tổ chức, cá nhân hoàn tất thủ tục khai báo hải quan, lựa chọn tổ chức chứng nhận hợp quy lĩnh vực thức ăn chăn nuôi được chỉ định để đánh giá sự phù hợp của lô hàng. Trường hợp lô hàng phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng, tổ chức chứng nhận hợp quy cấp Giấy chứng nhận hợp quy cho lô hàng để tổ chức, cá nhân nộp cho cơ quan hải quan làm thủ tục thông quan, đồng thời thông báo cho cơ quan kiểm tra. Trường hợp lô hàng có kết quả kiểm tra không phù hợp, tổ chức chứng nhận hợp quy thông báo cho cơ quan kiểm tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Nghị định số 46 còn bổ sung mới một số quy định tại Nghị định số 13 đáng chú ý như: Điều 5a về cơ chế đặt hàng đối với hoạt động nhập khẩu, sản xuất, nuôi giữ và cung ứng sản phẩm gốc vật nuôi; Điều 32đ về kiểm tra Nhà nước về chất lượng sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi…
Nghị định số 46 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13-7-2022.
Nguồn: Quân đội Nhân dân