Tăng trưởng đàn vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi 10 tháng đầu năm 2023
Trong 10 tháng đầu năm 2023, nhìn chung đàn gia súc và gia cầm phát triển ổn định. Chăn nuôi lợn có kết quả tích cực mặc dù vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá lợn hơi thấp, chi phí phòng dịch tăng cao, giá thức ăn chăn nuôi giảm nhưng chưa đáng kể. Chăn nuôi gia cầm tiếp tục tăng do khu vực hộ và doanh nghiệp đều phát triển ổn định.
Ước tính tổng số trâu của cả nước giảm khoảng 1,1% so với cùng thời điểm năm 2022. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 9 tháng ướt đạt 90,6 nghìn tấn, tăng 0,1%.
Tổng số bò sang tháng 10 tăng khoảng 0,7% so với cùng thời điểm năm 2022. Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng 9 tháng đầu năm ước đạt 373,4 nghìn tấn, tăng 2,4%; sản lượng sữa bò tươi 9 tháng ướt đạt 892,5 triệu lít, tăng 3,4 % so với cùng kỳ năm 2022.
Chăn nuôi lợn đạt kết quả tích cực, mặc dù gặp khó khăn do giá lợn hơi thấp, chi phí phòng dịch tăng cao, giá TACN giảm chưa đáng kể. Ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 10 năm 2023 tăng khoảng 3,4%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 9 tháng đầu năm ước đạt 3632,9 nghìn tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2022
Tổng đàn và sản lượng gia cầm 10 tháng tiếp tục tăng do khu vực chăn nuôi hộ gia đình và doang nghiệp đều phát triển ổn định. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước tính tăng khoảng 2,9. Trong 9 tháng đầu năm, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất ước đạt 1727,2 nghìn tấn, tăng 6,0% sản lượng trứng gia cầm ước đạt 14,2 tỷ quả, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Về chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi
Chăn nuôi đang chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi hộ có quy mô lớn hơn, tăng phát triển các mô hình trang trại, tập trung và hình thành các chuỗi giá trị chăn nuôi, đây là nhân tố quan trọng góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Chăn nuôi lợn: Năm 2018, cả nước có khoảng 2,5 triệu cơ sở chăn nuôi lợn, giảm mạnh còn 1,82 triệu cơ sở trong năm 2019 (do ảnh hưởng bởi dịch ASF). Giai đoạn 2020-2022, cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ giảm 15-20%. Hiện nay sản lượng lợn sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35-40%; sản lượng lợn sản xuất trong cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại chiếm 60-65%. Cơ cấu nguồn cung thịt lợn năm 2022 cho thấy, doanh nghiệp nội chỉ chiếm 19%, hộ chăn nuôi chiếm 38%, doanh nghiệp FDI chiếm 43%.
Chăn nuôi gia cầm: Năm 2021, tổng số hộ chăn nuôi gà, vịt là 9,9 triệu hộ (trong đó khoảng 87% số hộ chăn nuôi gà), đến năm 2022, tổng số hộ chăn nuôi gà, vịt khoảng 10,266 triệu hộ trong đó số hộ nuôi gà chiếm 88%.
Xu hướng tất yếu của chăn nuôi hiện nay là chuyển từ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại và chăn nuôi trang trại kết hợp với liên kết HTX, tổ hợp tác (liên kết ngang), liên kết giữa các khâu và liên kết theo chuỗi khép kín (liên kết dọc) trong đó doanh nghiệp là trung tâm. Do đó số lượng hộ chăn nuôi có quy mô nhỏ giảm dần theo các năm do quy mô nhỏ không cạnh tranh được về giá thành, chất lượng, an toàn thực phẩm.
Trước xu hướng đó, phải khẳng định chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ không bị mất đi hoàn toàn, vì đó là sinh kế của hàng triệu hộ chăn nuôi được hình thành bao đời nay. Tuy nhiên, nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ muốn đứng vững buộc phải liên kết với nhau để trở thành thành viên của tổ nhóm, HTX, hoặc liên kết với doanh nghiệp. Còn muốn đứng vững độc lập thì các hộ chăn nuôi buộc phải chăn nuôi chuyên nghiệp hoặc chăn nuôi con đặc sản, quý hiếm có giá trị cao, chăn nuôi hữu cơ, sinh thái gắn với dụ lịch.
Nguồn: Nguoichannuoi