Sự biến động không ngừng của giá cả nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như hiện nay là hệ quả của nhiều biến cố như gián đoạn chuỗi cung ứng, thay đổi khí hậu, chiến tranh tại Ukraine và bùng phát COVID ở các khu vực khác nhau. Và những dự báo gần đây cũng cho thấy giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vẫn tiếp tục không ổn định trong tương lai gần, từ đó, làm chi phí thức ăn tăng cao khiến chi phí sản xuất cho mỗi kilogram thịt đội lên đáng kể và có nhiều giai đoạn đã cao hơn mức giá hòa vốn (Hình 1).
Hình 1: Thay đổi về chi phí nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (hình bên trái) và giá thịt lợn, thịt gà cùng với điểm hòa vốn sản xuất thịt lợn và thịt gà ở Thái Lan (hình bên phải).
Thêm vào đó, giá thị trường thịt lợn và thịt gà không bắt kịp được với chi phí sản xuất ngày càng tăng vì ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID và các biện pháp giãn cách xã hội làm giảm nhu cầu tiêu thụ thịt.
Nhiều bài báo đã giới thiệu các chiến lược khác nhau để giảm tác động của việc tăng chi phí thức ăn chăn nuôi, điều này bao gồm việc tăng cường sử dụng các loại ngũ cốc thay thế (hạt nhỏ) và các loại bã hạt trích ly (bã cọ, bã dừa, DDGS), thay thế nguồn protein động vật đắt tiền bằng nguồn protein thực vật có giá thành thấp hơn, cho ăn theo giới tính, điều chỉnh máng ăn và cải thiện quản lý trang trại để giảm lãng phí thức ăn. Bài viết này sẽ thảo luận về ba chiến lược dinh dưỡng mà các nhà chăn nuôi có thể ứng dụng để giảm tác động của việc tăng chi phí thức ăn chăn nuôi.
GIẢM KÍCH THƯỚC HẠT THỨC ĂN
Mối tương quan giữa kích thước hạt nguyên liệu và năng lượng chuyển hóa đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu. Theo nghiên cứu của Fan và cộng sự (2017), việc giảm kích thước trung bình của hạt lúa mì từ 860 microns xuống khoảng 640 microns có thể giúp tăng 80 kcal ME/kg ở lợn xuất chuồng. Việc giảm kích thước hạt của lúa mì xuống dưới mức 600 microns có ảnh hưởng rất nhỏ đến việc sử dụng năng lượng chuyển hóa từ lúa mì. Ngược lại, việc giảm kích thước hạt ngô từ 860 xuống 330 microns giúp tăng hàm lượng ME lên 100 kcal/kg ở lợn choai theo xu hướng tuyến tính (Hình 2; Rojas và Stein, 2015).
Hình 2: Việc giảm kích thước hạt của lúa mì (Fan và cộng sự, 2017) và ngô (Rojas và Stein, 2015) giúp tăng năng lượng chuyển hóa ở lợn choai.
Trong khi chi phí nghiền tăng mạnh khi ngô được xay thành hạt dưới 600 microns và khi hạt ngô được nghiền mịn dưới 600 microns sẽ làm tăng tỷ lệ mắc bệnh loét dạ dày, thì việc giảm kích thước hạt ngô từ 860 microns xuống 650 microns sẽ làm tăng hàm lượng ME thêm 60 kcal/kg. Trong mô phỏng thông thường bằng cách sử dụng chi phí nguyên liệu hiện tại thì chi phí cho 100 kcal ME trong một tấn thức ăn gà thịt được ước tính là $11. Điều này có nghĩa là nếu chúng ta tối ưu hóa kích thước hạt của ngũ cốc, chúng ta có thể giảm chi phí năng lượng từ $5-7/tấn thức ăn.
BỔ SUNG ENZYME
Trong công thức thức ăn chăn nuôi điển hình cho vật nuôi dạ dày đơn, khoảng 60% và 8% chi phí thức ăn lần lượt được sử dụng để đáp ứng các nhu cầu về năng lượng và phốt pho. Do đó, tăng cường khả năng sử dụng năng lượng và phốt pho thông qua việc bổ sung enzyme xylanase và phytase ngoại sinh là hai giải pháp hiệu quả nhất để giảm giá thành công thức.
Chi phí công thức ước tính cho 100 kcal ME trên một tấn thức ăn chăn nuôi đã tăng từ khoảng $9 đến $11, chủ yếu do giá ngũ cốc và chất béo tăng (Hình 3 đồ thị bên trái). Do đó, bổ sung enzyme xylanase ngoại sinh cùng với việc áp dụng ma trận năng lượng 100 kcal ME sẽ giúp tiết kiệm được khoảng $10- 11/tấn thức ăn ở hầu hết các nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương , tuy nhiên chi phí chính xác sẽ khác nhau, tùy thuộc vào quốc gia và giá thành của các nguyên liệu được sử dụng để xây dựng công thức.
Tương tự, chi phí công thức ước tính cho 0,1% phốt pho khả dụng (avP) trên mỗi tấn thức ăn đã tăng từ $3,2 đến $5,5 (Hình 3, đồ thị bên phải). Do đó, việc áp dụng ma trận 0,15% avP từ việc bổ sung phytase ngoại sinh sẽ giúp giảm chi phí khoảng $8/tấn thức ăn. Do đó, việc bổ sung kết hợp xylanase và phytase với việc sử dụng ma trận năng lượng 100 kcal ME và 0,15% avP có thể giúp giảm chi phí công thức xuống khoảng $18, đây là một cơ hội rất lớn để giảm chi phí sản xuất, đặc biệt khi ngành chăn nuôi hiện nay đang phải đối mặt với nhiều áp lực.
Hình 3: Xu hướng chi phí cho 100 kcal ME / tấn (Trái) và chi phí công thức cho 0,1% phốt pho / tấn có sẵn (Phải, được tính toán dựa trên mô phỏng công thức sử dụng giá nguyên liệu dao động)
Các nhà dinh dưỡng nói chung đã áp dụng ma trận avP giải phóng từ việc sử dụng enzyme phytase và ma trận năng lượng từ việc sử dụng các enzyme NSP ở mức an toàn dựa trên sự đa dạng về hàm lượng cơ chất trong nguyên liệu và khả năng các enzyme bị giảm hoạt lực trong quá trình chế biến và bảo quản thức ăn. Tuy nhiên, đây là thời điểm thích hợp để xem xét và cân nhắc việc áp dụng ma trận của enzyme triệt để hơn bằng cách thực hiện các biện pháp kiểm soát chất lượng, chẳng hạn như kiểm soát chất lượng chặt chẽ hơn đối với các nguyên liệu và thành phẩm cuối cùng, điều này sẽ làm giảm biên độ an toàn áp dụng trong công thức. Như có thể thấy trong nghiên cứu tại một trang trại gà thị thương phẩm được trình bày trong Hình 4, một ma trận năng lượng ở mức an toàn được áp dụng (50 kcal) trong khẩu phần ngô – đậu tương có bổ sung CJ xylanase đã cải thiện đáng kể FCR (giảm 6 và 8 điểm so với PC và NC).
Trong trường hợp này, việc áp dụng ma trận năng lượng 100 kcal đã giúp cải thiện FCR và giúp giảm chi phí thức ăn khoảng $10/tấn thức ăn. Việc sử dụng CJ phytase với việc áp dụng ma trận 0,15% avP trong khẩu phần ăn của lợn con cũng đã cho thấy sự cải thiện năng suất ở liều phytase cao hơn (Hình 4 đồ thị bên trái), điều này có thể giảm được chi phí thức ăn khoảng $8/tấn thức ăn.
Hình 4: Bổ sung CJ phytase trong khẩu phần lợn con (Trái) và CJ xylanase trong khẩu phần gà thịt (Phải) xác nhận rằng ma trận 0,15% avP và 100 kcal ME có thể được sử dụng trong khẩu phần ngô-đậu tương.
TĂNG CƯỜNG SỬ DỤNG AXIT AMIN TỔNG HỢP
Chi phí công thức để đáp ứng nhu cầu protein (axit-amin) ở động vật dạ dày đơn thông thường chiếm khoảng 25% của tổng chi phí thức ăn, đây là thành phần đắt tiền thứ hai sau năng lượng. Tác động của chi phí protein thô trong thức ăn chăn nuôi còn lớn hơn nhiều ở vùng châu Á – Thái Bình Dương, nơi sản xuất protein thô cho thức ăn chăn nuôi thấp hơn nhiều so với từ các vùng khác như Châu Âu và Châu Mỹ. Vì vậy, ngành chăn nuôi tại khu vực này thường chịu nhiều ảnh hưởng hơn các nước khác khi giá của các nguồn protein thô tăng lên. Trong trường hợp này, việc thay thế các protein thô bằng các axit amin có thể giúp giảm giá thành thức ăn, cụ thể là trong nhiều trường hợp việc bổ sung axit amin mạch nhánh giúp giảm tỷ lệ sử dụng protein thô trong công thức, tuy nhiên việc giảm đạm thô quá thấp đến mức mà việc bổ sung axit amin tổng hợp quá nhiều hay bổ sung một số axit amin riêng biệt cũng làm tăng chi phí công thức.
Do đó, việc thường xuyên mô phỏng công thức để tìm ra mức đạm trong khẩu phần với chi phí thấp nhất sẽ tối ưu hóa chi phí công thức ở mức tốt nhất. Giảm hàm lượng protein thô trong khẩu phần của động vật dạ dày đơn không chỉ giúp giảm giá thành công thức mà còn góp phần cải thiện sức khỏe đường ruột, vì quá trình lên men protein dư thừa trong ruột giải phóng các khí độc như amoniac, indol, amine và hydro sulfide, từ đó làm tăng độ pH của ruột và phá hủy các tế bào biểu mô bằng cách làm gián đoạn quá trình chuyển hóa năng lượng của ti thể.
KẾT LUẬN
Đây là khoảng thời gian đầy thách thức và áp lực đối với ngành chăn nuôi khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam. Phát triển các chiến lược dinh dưỡng mang lại hiệu suất tăng trưởng tối ưu cho vật nuôi với mức đầu tư chi phí thức ăn thấp nhất và để linh hoạt với những biến động về giá nguyên liệu trong tương lai thực sự là vấn đề cấp thiết.
Công tác quản lý để giảm lãng phí thức ăn, cùng với giảm thất thoát chất dinh dưỡng trong quá trình chuyển hóa gây ra bởi áp lực môi trường là các chiến lược cần thiết của trang trại để vượt qua các thách thức và tạo sự phát triển. Ngoài ra, các chiến lược dinh dưỡng như (1) tối ưu hóa kích thước hạt nguyên liệu, (2) bổ sung phytase và xylanase ngoại sinh với việc áp dụng ma trận avP và năng lượng thích hợp, (3) giảm đạm thô kết hợp tăng cường sử dụng các axit amin tổng hợp có thể giúp giảm chi phí thức ăn từ quan điểm của nhà máy thức ăn chăn nuôi.