Tăng trưởng kéo theo ô nhiễm môi trường với 15% khí thải nhà kính toàn cầu cùng rủi ro an toàn thực phẩm và dịch bệnh vẫn là những thách thức buộc ngành chăn nuôi năm 2023 và các năm tiếp theo phải đổi mới theo hướng xanh, sạch và số hóa.
Số hóa
Những cải tiến công nghệ chăn nuôi nhiều năm qua chú trọng nhiệm vụ tăng chất lượng và số lượng dữ liệu trong các hệ thống chăn nuôi. Các doanh nghiệp trẻ như HerdDogg, Cowlar và SmartBow (Mỹ) đã nghiên cứu thẻ đeo tai hoặc cổ để theo dõi chuyển động của gia súc trên đồng ruộng. Các đối thủ khác của những công ty này lại tập trung phát triển giải pháp chuồng trại như camera Cainthus quan sát máy móc cố định hoặc cảm biến SomaDetect lắp đặt trong dây chuyền vắt sữa. Mỗi công ty bán phần cứng, sau đó cung cấp dịch vụ phân tích dữ liệu.
Cung cấp quyền truy cập và dữ liệu thời gian thực và chất lượng cao giúp khách hàng là người nông dân có thể nhanh chóng đưa ra quyết định thông minh. Ngoài ra, chất lượng và mức độ chi tiết của dữ liệu có giá trị đối với khách hàng không phải nông dân như hãng kinh doanh thức ăn chăn nuôi và nhà cung cấp dịch vụ trang trại. Quyền truy cập vào dữ liệu trang trại có giá trị to lớn đối với những khách hàng này. Đây là lý do các nhà đầu tư như Wilbur Ellis’ Cavallo Ventures đã rót vốn vào các công ty công nghệ chăn nuôi như Performance Livestock Analytics hay Cargill đầu tư vào Cainthus, hệ thống thị giác máy tính trong chuồng nuôi gia súc vào năm 2018.
Trang trại chăn nuôi thông minh với công nghệ điều khiển không dây. Ảnh: Shutterstock
Xanh
Giải pháp duy nhất hiện nay để giảm tác động lên môi trường của ngành chăn nuôi là cắt giảm phát thải khí nhà kính. Hướng đi này ngày càng khả thi nhờ các chất phụ gia thức ăn có khả năng giảm quá trình lên men trong ruột (bò ợ hơi). Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), quá trình lên men trong ruột là thủ phạm gây ra 27% khí thải methane và riêng khí thải methane chiếm 32 – 40% lượng khí thải nhà kính của ngành nông nghiệp.
DSM, hãng dinh dưỡng và thú y chăn nuôi có trụ sở tại Hà Lan tuyên bố đã tìm ra câu trả lời bằng một loại phụ gia thức ăn chăn 3NOP (nhãn hiệu Bovaer) và dự kiến tung ra thị trường châu Âu cuối năm 2022. Sản phẩm này đã có mặt ở một số thị trường vào năm 2021. Phụ gia này có tác dụng rất nhanh với liều lượng sử dụng chỉ bằng ¼ thìa cà phê vào thức ăn là có thể giảm 30% khí thải trong chăn nuôi. Hợp chất này được phát hiện năm 2013 và đã trải qua quá trình thử nghiệm thực địa nghiêm ngặt suốt 7 năm qua.
Công ty Mootral phát triển sản phẩm giúp giảm khí thải methane bằng cam quýt và tỏi. Mô hình kinh doanh của Mootral đã được cơ quan tính dụng carbon Verra cấp chứng nhận. Nhờ đó, sản phẩm của Mootral có thể mang lại cho người nông dân nguồn doanh thu thứ 2 từ việc bán tín dụng carbon bù đắp khí thải methane.
Sạch
Chất thải chăn nuôi là một phần quan trọng của hệ thống nông nghiệp, được sử dụng làm phân bón cây trồng hoặc nhiên liệu sinh học. Nhưng phần lớn trang trại chăn nuôi vẫn đang tiêu tốn không ít chi phí loại bỏ phân thải, thay vì tận dụng. Hơn 3,9 triệu trang trại chăn nuôi trên thế giới đang thải ra 10 tấn phân mỗi ngày. Do đó, tác động tiêu cực đến thị trường đang gia tăng, cùng với tình trạng đất đai khô cằn và lượng kim loại nặng tích tụ trong đất ngày càng nhiều đã gây ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Tại châu Âu và Bắc Mỹ, các trại chăn nuôi bắt đầu chú trọng xử lý phân tại cơ sở sản xuất, vừa tiết kiệm chi phí, mặt khác đáp ứng quy định môi trường ngày càng khắt khe do chính phủ đặt ra. Hãng Bluetector, Đức đã tìm ra công nghệ xử lý nước thải đô thị để xử lý được nồng độ nitrat cao trong phân. Hệ thống không sử dụng chất phụ gia hóa học, nhỏ gọn trong một thùng chứa và giá khoảng 500.000 USD và chi phí vận hành và bảo trì khoảng 2 USD/tấn. Với công nghệ này, người chăn nuôi có thể hoàn vốn sau 1 – 2 năm nên có ý nghĩa to lớn bởi châu Âu đang siết chặt quy định về xử lý phân thải chăn nuôi. Một giải pháp khác từ Công ty Livestock Water Recycling, Canada sử dụng quy trình lọc để tách chiết kali và amonia lỏng, chất rắn giàu phốt pho, nitơ và nước.
Nguồn: Tạp chí gia cầm