Trường Đại Học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh là trường đại học đa ngành, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, tọa lạc trên khu đất rộng 118 ha, thuộc phường Linh Trung, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh và huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Tiền thân là Trường Quốc gia Nông Lâm Mục Bảo Lộc (1955), Trường Cao đẳng Nông Lâm Súc (1963), Học viện Nông nghiệp (1972), Trường Đại học Nông nghiệp Sài Gòn (thuộc Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức (1974), Trường Đại học Nông nghiệp 4 (1975), Trường Đại Học Nông Lâm Nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (1985) trên cơ sở sát nhập Trường Đại học Nông nghiệp 4 (Thủ Đức – TP. HCM) và Trường Cao đẳng Lâm nghiệp (Trảng Bom – Đồng Nai), Trường Đại học Nông Lâm (thành viên Đại học Quốc gia TP. HCM – 1995), Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (2000).
Trải qua 65 năm hoạt động, Trường đã đạt nhiều thành tích xuất sắc về đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, chuyển giao công nghệ, quan hệ quốc tế. Trường đã vinh dự được nhận Huân chương Lao động Hạng ba (năm1985), Huân chương Lao động Hạng nhất (năm 2000), Huân chương Độc lập Hạng ba (năm 2005).
1. Tầm nhìn: Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh sẽ trở thành trường đại học nghiên cứu với chất lượng quốc tế.
2. Sứ mạng: Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh là một trường đại học đa ngành, đào tạo nguồn nhân lực giỏi chuyên môn và tư duy sáng tạo; thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển, phổ biến, chuyển giao tri thức – công nghệ, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế – xã hội của Việt Nam và khu vực.
Mục tiêu chiến lược: Trường Đại Học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh tiếp tục xây dựng, phát triển thành một trường đại học có chất lượng về đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, sánh vai với các trường đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
3. Nhiệm vụ chính:
Trường Đại học Nông Lâm TP. HCM thực hiện các nhiệm vụ chính như sau:
– Đào tạo cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học và sau đại học trong các lĩnh vực: Nông lâm ngư nghiệp, Cơ khí, Kinh tế, Quản lý, Ngoại ngữ, Sư phạm, Môi trường, Sinh học, Hoá học, Công nghệ thông tin.
– Nghiên cứu khoa học và hợp tác nghiên cứu khoa học với các đơn vị trong và ngoài nước.
– Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến doanh nghiệp và người sản xuất.