Tiền thân của Trường Đại học Nông lâm – Đại học Thái Nguyên (ĐHNL) là Trường Đại học Kỹ thuật Miền núi, được thành lập năm 1969. Năm 1971, Nhà trường được đổi tên thành Trường ĐHNL Miền núi. Năm 1972, Trường ĐHNL Miền núi được đổi tên thành Trường Đại học Nông nghiệp III. Năm 1994, Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) được thành lập và Trường Đại học Nông nghiệp III trở thành trường đại học thành viên của ĐHTN với tên gọi là Trường ĐHNL – Đại học Thái Nguyên. Trải qua 52 năm xây dựng và phát triển, hiện nay Trường ĐHNL – ĐHTN có 8 khoa đào tạo, 7 phòng chức năng phục vụ công tác đào tạo và 01 Văn phòng Quản lý các chương trình đào tạo tiên tiến (CTTT), 2 viện nghiên cứu và 11 trung tâm. Năm 2021, Trường ĐHNL tổ chức triển khai 24 chương trình đào tạo (CTĐT) bậc đại học, có 10 CTĐT thạc sĩ và 8 CTĐT tiến sĩ. Cho đến nay đã có 48 khóa sinh viên tốt nghiệp với hơn 50.000 kỹ sư, cử nhân và gần 4000 thạc sĩ và tiến sĩ. Trong những năm qua, Trường luôn được đánh giá là trung tâm đào tạo và chuyển giao khoa học công nghệ hàng đầu về các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi môi trường và phát triển nông thôn cho các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc và trong cả nước. Sinh viên của Trường có khoảng 40% là con em các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn khu vực miền núi phía bắc.
1. Sứ mệnh
Sứ mệnh của Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên: “Đào tạo trình độ đại học, sau đại học, NCKH và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực nông lâm nghiệp, phát triển nông thôn, tài nguyên, môi trường tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao và sản phẩm khoa học công nghệ có giá trị phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cho khu vực trung du, miền núi phía Bắc và cả nước”.
2. Tầm nhìn
Đến năm 2030, Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên sẽ là một trong những trường đại học hàng đầu ở Việt Nam, được công nhận là cơ sở giáo dục đại học đảm bảo chất lượng trong hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục khu vực Đông Nam Á (AUN – QA).
3. Triết lý giáo dục
Nhà trường lấy triết lý giáo dục là “PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN, THỰC TIỄN VÀ HỘI NHẬP”
Phát triển toàn diện: Người học được đào tạo có đạo đức, có kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm, năng lực đổi mới, tư duy sáng tạo, trách nhiệm xã hội, có ý thức cộng đồng; có lòng yêu nước, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc;
Thực tiễn: Đào tạo luôn gắn với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, tiến bộ khoa học, công nghệ; thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa phù hợp với thị trường lao động. Quá trình dạy và học được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục trong nhà trường được kết hợp với gia đình và xã hội. Phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm và tiếp cận theo hướng hòa nhập tích cực và học tập suốt đời.
Hội nhập: Các chương trình đào tạo được phát triển trên cơ sở tham khảo, kế thừa các chương trình đào tạo tiên tiến của các trường đại học có uy tín trên thế giới và được kiểm định theo chuẩn quốc tế. Môi trường học tập và điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục trong trường thu hút được các chuyên gia giỏi và sinh viên quốc tế đến làm việc, nghiên cứu và học tập. Giảng viên và người học sau tốt nghiệp có năng lực ngoại ngữ, năng lực làm việc đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
4. Giá trị cốt lõi
Nhà trường luôn hướng tới những giá trị cốt lõi trong đào tạo và nghiên cứu khoa học là: Chất lượng (Quality); Trách nhiệm (Responsibility); Công bằng (Equality); Sáng tạo (Creativeness).