Vùng TDMN phía Bắc
Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai được thành lập theo Quyết định số 6189/QÐ-BGDÐT ngày 24 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo, và ngày 27/3/2019 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 339/QĐ-TTg về việc sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai vào với Phân hiệu Đại học Thái Nguyên, trụ sở của Phân hiệu tại tổ 13, phường Bình Minh, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai.
https://www.youtube.com/watch?v=2XA8MFmsmeU
Phân hiệu Ðại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai là cơ sở giáo dục đại học công lập, đào tạo đa ngành, trực thuộc Đại học Thái Nguyên về các hoạt động của Phân hiệu, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai về các hoạt động liên quan đến thẩm quyền quản lý của địa phương, chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục – Đào tạo và hoạt động theo quy chế của Ðại học Thái Nguyên.
Phân hiệu ĐHTN tại tỉnh Lào Cai được giao trọng trách là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trình độ đại học và sau đại học, cung cấp dịch vụ về đào tạo, tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và các loại hình đào tạo khác, là cơ sở nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội cho tỉnh Lào Cai và các tỉnh lân cận; liên kết trong nước, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Trong giai đoạn vừa qua, Phân hiệu không ngừng nâng cao năng lực giảng dạy, nghiên cứu và phục vụ, tăng cường hoạt động chuyển giao công nghệ và các hoạt động dịch vụ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao uy tín trong tỉnh, khu vực và cả nước, phấn đấu trở thành một cơ sở giáo dục – đào tạo dẫn đầu trong khu vực và tiến tới đạt chuẩn quốc tế trên một số lĩnh vực. Hiện tại, Phân hiệu có đội ngũ cán bộ giảng dạy, các nhà khoa học có uy tín từ Đại học Thái Nguyên và chuyên gia nước ngoài tham gia trực tiếp giảng dạy, nghiên cứu với 8 chuyên ngành đào tạo bậc đại học (Khoa học Cây trồng, Chăn nuôi – Thú y, Quản lý Tài nguyên – Môi trường, Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học, Ngôn ngữ Trung Quốc, Kinh tế; phối hợp với các cơ sở đào tạo của Đại học Thái Nguyên và các cơ sở ngoài Đại học Thái Nguyên đào tạo các ngành nghề đào tạo khác), và phối hợp với các cơ sở giáo dục đào tạo khác đào tạo sau đại học; và đào tạo các chuyên ngành cao đẳng được chuyển chức năng, nhiệm vụ từ Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai sang.
Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai có đội ngũ cán bộ, viên chức tận tâm, tận tụy trong công tác, có trang thiết bị tiên tiến và hiện đại phục vụ cho nghiên cứu và học tập của giáo viên và sinh viên. Phân hiệu luôn quan tâm đến sự phát triển chuyên môn của đội ngũ cán bộ giảng dạy, cán bộ phục vụ thông qua các chương trình hợp tác đào tạo, nghiên cứu trong và ngoài nước. Hiện nay, Phân hiệu đang thực hiện chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ chuẩn mực của Bộ Giáo dục và Đào tạo, liên kết đào tạo có hiệu quả với các cơ sở đào tạo có uy tín trong nước và quốc tế.
Để thực hiện tốt các mục tiêu phát triển, Phân hiệu luôn khuyến khích cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu tham gia nghiên cứu và xuất bản các ấn phẩm khoa học, nâng cao trang thiết bị phòng thí nghiệm, ứng dụng các phương pháp mới vào việc giảng dạy nhằm giúp sinh viên phát triển năng lực bản thân trong tư duy độc lập và sáng tạo. Để hội nhập và đáp ứng yêu cầu của xã hội, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai không ngừng xây dựng và mở rộng các mối quan hệ hợp tác có hiệu quả với các đơn vị sử dụng lao động, viện nghiên cứu, trường Đại học trong nước và trên thế giới, các tổ chức quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, Phân hiệu hướng đến đẩy mạnh các lĩnh vực đào tạo sinh viên quốc tế và phối hợp mật thiết giữa nhà quản lý – nhà khoa học – doanh nghiệp và đơn vị sử dụng lao động.
ĐẠI HỌC TÂY BẮC
Trường Đại học Tây Bắc được thành lập theo Quyết định số 39/2001/QĐ-TTg ngày 23/03/2001 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc, tiền thân là Trường Sư phạm cấp 2 đặt tại khu Tự trị Thái Mèo được thành lập từ năm 1960.
Trường Đại học Tây Bắc là trường đại học công lập, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trụ sở của Trường đặt tại phường Quyết Tâm, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Trường có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.
https://www.youtube.com/watch?v=ypnX2qbU0KU
Trường Đại học Tây Bắc có nhiệm vụ:
Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học và sau đại học;
Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức;
Nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, triển khai các dịch vụ kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.
Ảnh chụp trước khu Nhà điều hành Trường Đại học Tây Bắc năm 2020
Toàn cảnh Trường Đại học Tây Bắc
ĐẠI HỌC TÂN TRÀO – TUYÊN QUANG
Trường Đại học Tân Trào tiền thân là trường Sơ cấp sư phạm được thành lập ngày 13 tháng 10 năm 1959 theo Quyết định số 264/TCC3 của Chủ tịch Ủy ban Hành chính Khu tự trị Việt Bắc. Đến tháng 6/1969 trường được nâng cấp lên thành trường Trung cấp Sư phạm Tuyên Quang. Qua quá trình phát triển, nhà trường đã nhiều lần thay đổi địa điểm, thay đổi tên gọi và hợp nhất nhiều trường Sư phạm khác nhau như Trường Sư phạm cấp I; Trường Sư phạm cấp II; Trường Sơ cấp nuôi dạy trẻ; Trường Sơ cấp Sư phạm Mầm non; Trường Cán bộ Quản lý giáo dụcngày 11 tháng 02. Năm 1999 được nâng cấp thành Cao đẳng sư phạm Tuyên Quang theo Quyết định số 18/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 30 tháng 6 năm 2011 Trường Cao đẳng Sư phạm Tuyên Quang được đổi tên thành trường Cao đẳng Tuyên Quang theo Quyết định số 2651/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GDĐT và ngày 14 tháng 8 năm 2013 Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 1404/QĐ-TTg, nâng cấp Trường Cao đẳng Tuyên Quang thành Trường Đại học Tân Trào.
https://www.youtube.com/watch?v=zSX9ffuYR20
Từ đây Trường Đại học Tân Trào trở thành trường Đại học đầu tiên trên quê hương cách mạng, thủ đô khu giải phóng, thủ đô kháng chiến.
1. Sứ mạng: TTrU là cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ nâng cao chất lượng cuộc sống và xây dựng đất nước.
2. Tầm nhìn: TTrU sẽ trở thành một trung tâm phát triển bền vững, làm biến đổi cuộc sống và phục vụ cộng đồng.
3. Chính sách chất lượng: TTrU cam kết liên tục cải tiến để có khả năng cung cấp các dịch vụ có chất lượng, đảm bảo mức độ hài lòng cao nhất của người học và đối tác, qua một hệ thống quản lý năng động, xuất sắc, chuyên nghiệp và đổi mới.
4. Giá trị cốt lõi: "Chất lượng đào tạo là yếu tố cốt lõi để tồn tại và phát triển".
5. Mục tiêu giáo dục: Đào tạo người học có kiến thức và kỹ năng chuyên môn của chuyên ngành được đào tạo một cách vững chắc và thực tiễn, có phẩm chất chính trị, có đạo đức tốt, đáp ứng các chuẩn mực cần thiết của người lao động trong nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN và theo xu thế hội nhập nền kinh tế thế giới. Người học được trang bị các kiến thức cơ sở ngành đào tạo để có khả năng nghiên cứu, cập nhật công nghệ mới, khả năng tự học suốt đời trong môi trường công tác sau khi ra trường; có kỹ năng thực hành chuyên sâu và chuyên nghiệp của chuyên ngành được đào tạo, đủ khả năng hành nghề, khả năng tạo việc làm và phát triển sự nghiệp; được trang bị các kỹ năng và phẩm chất của người lao động hiện đại, chú trọng các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hợp tác làm việc nhóm, sự tự tin và chủ động trong vị trí công tác được xã hội phân công.
ĐẠI HỌC HÙNG VƯƠNG – PHÚ THỌ
Trường Đại học Hùng Vương được thành lập ngày 29 tháng 4 năm 2003 theo Quyết định số 81/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở của Trường Cao đẳng Sư phạm Phú Thọ - có bề dày truyền thống 60 năm.
https://www.youtube.com/watch?v=XXyuisFUf3g
1. Sứ mạng
Trường Đại học Hùng Vương là trường đại học công lập đa ngành, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo định hướng ứng dụng; là trung tâm nghiên cứu khoa học hiện đại và chuyển giao công nghệ tiên tiến, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa của tỉnh Phú Thọ và cả nước.
2. Triết lý giáo dục
CHẤT LƯỢNG - TOÀN DIỆN - HỘI NHẬP
CHẤT LƯỢNG: Trường Đại học Hùng Vương sử dụng tiêu chí “chất lượng” như là một công cụ có thể đo lường chỉ số hài lòng người học, nhà tuyển dụng và các bên liên quan của Nhà trường.
TOÀN DIỆN: Trường Đại học Hùng Vương hướng tới đào tạo đa ngành, đào tạo con người toàn diện (về trí tuệ, thể chất, đạo đức, chuyên môn, kỹ năng, kiến thức chuyên ngành hẹp và kiến thức nền rộng), mang bản sắc truyền thống đất Tổ và sự khác biệt theo hướng tiến bộ.
HỘI NHẬP: Trường Đại học Hùng Vương hướng tới việc đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, người học tốt nghiệp có khả năng làm việc và học tập để thích nghi với sự biến đổi trong nước và xu thế quốc tế, được đánh giá theo tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế.
3. Tầm nhìn
Đến năm 2030, Trường Đại học Hùng Vương trở thành một trường Đại học đa ngành, đa lĩnh vực đào tạo theo định hướng ứng dụng có uy tín, chất lượng cao trong khu vực. Người học sau khi tốt nghiệp có đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế.
4. Giá trị cốt lõi
- Truyền thống và khát vọng vươn lên là nền tảng cho sự phát triển của Nhà trường.
- Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo định hướng ứng dụng: thực học, thực hành, lý luận gắn với thực tiễn đáp ứng nhu cầu xã hội; nghiên cứu khoa học gắn với ứng dụng chuyển giao công nghệ và sản xuất dịch vụ là thước đo giá trị và đồng thời là thương hiệu của Nhà trường.
- Hợp tác phát triển với các trường Đại học, các Viện nghiên cứu, các đối tác trong và ngoài nước tạo sự phát triển bền vững là phương châm hành động của Nhà trường.
5. Chính sách chất lượng
- Thực hiện thành công sứ mạng của nhà trường trên nền tảng lấy người học làm trung tâm, lấy chất lượng đào tạo làm cốt lõi, lấy hiệu quả kinh tế xã hội làm mục tiêu, lấy xu thế thời đại để định hướng tiếp cận.
- Chuyển mạnh quá trình đào tạo từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn; nghiên cứu khoa học gắn với ứng dụng chuyển giao công nghệ, sản xuất và dịch vụ.
- Mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và kết nối việc làm cho sinh viên.
- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, mở thêm ngành đào tạo sau đại học, tiến tới đào tạo trình độ tiến sĩ, phát triển nhà trường theo định hướng ứng dụng.
- Thực hiện hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, phấn đấu đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc gia giai đoạn 2020-2030.
ĐẠI HỌC NÔNG LÂM THÁI NGUYÊN
Tiền thân của Trường Đại học Nông lâm – Đại học Thái Nguyên (ĐHNL) là Trường Đại học Kỹ thuật Miền núi, được thành lập năm 1969. Năm 1971, Nhà trường được đổi tên thành Trường ĐHNL Miền núi. Năm 1972, Trường ĐHNL Miền núi được đổi tên thành Trường Đại học Nông nghiệp III. Năm 1994, Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) được thành lập và Trường Đại học Nông nghiệp III trở thành trường đại học thành viên của ĐHTN với tên gọi là Trường ĐHNL - Đại học Thái Nguyên. Trải qua 52 năm xây dựng và phát triển, hiện nay Trường ĐHNL - ĐHTN có 8 khoa đào tạo, 7 phòng chức năng phục vụ công tác đào tạo và 01 Văn phòng Quản lý các chương trình đào tạo tiên tiến (CTTT), 2 viện nghiên cứu và 11 trung tâm. Năm 2021, Trường ĐHNL tổ chức triển khai 24 chương trình đào tạo (CTĐT) bậc đại học, có 10 CTĐT thạc sĩ và 8 CTĐT tiến sĩ. Cho đến nay đã có 48 khóa sinh viên tốt nghiệp với hơn 50.000 kỹ sư, cử nhân và gần 4000 thạc sĩ và tiến sĩ. Trong những năm qua, Trường luôn được đánh giá là trung tâm đào tạo và chuyển giao khoa học công nghệ hàng đầu về các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi môi trường và phát triển nông thôn cho các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc và trong cả nước. Sinh viên của Trường có khoảng 40% là con em các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn khu vực miền núi phía bắc.
https://www.youtube.com/watch?v=wkid5YGLQPM
1. Sứ mệnh
Sứ mệnh của Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên: “Đào tạo trình độ đại học, sau đại học, NCKH và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực nông lâm nghiệp, phát triển nông thôn, tài nguyên, môi trường tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao và sản phẩm khoa học công nghệ có giá trị phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cho khu vực trung du, miền núi phía Bắc và cả nước”.
2. Tầm nhìn
Đến năm 2030, Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên sẽ là một trong những trường đại học hàng đầu ở Việt Nam, được công nhận là cơ sở giáo dục đại học đảm bảo chất lượng trong hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục khu vực Đông Nam Á (AUN - QA).
3. Triết lý giáo dục
Nhà trường lấy triết lý giáo dục là “PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN, THỰC TIỄN VÀ HỘI NHẬP”
Phát triển toàn diện: Người học được đào tạo có đạo đức, có kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm, năng lực đổi mới, tư duy sáng tạo, trách nhiệm xã hội, có ý thức cộng đồng; có lòng yêu nước, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc;
Thực tiễn: Đào tạo luôn gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ khoa học, công nghệ; thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa phù hợp với thị trường lao động. Quá trình dạy và học được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục trong nhà trường được kết hợp với gia đình và xã hội. Phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm và tiếp cận theo hướng hòa nhập tích cực và học tập suốt đời.
Hội nhập: Các chương trình đào tạo được phát triển trên cơ sở tham khảo, kế thừa các chương trình đào tạo tiên tiến của các trường đại học có uy tín trên thế giới và được kiểm định theo chuẩn quốc tế. Môi trường học tập và điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục trong trường thu hút được các chuyên gia giỏi và sinh viên quốc tế đến làm việc, nghiên cứu và học tập. Giảng viên và người học sau tốt nghiệp có năng lực ngoại ngữ, năng lực làm việc đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
4. Giá trị cốt lõi
Nhà trường luôn hướng tới những giá trị cốt lõi trong đào tạo và nghiên cứu khoa học là: Chất lượng (Quality); Trách nhiệm (Responsibility); Công bằng (Equality); Sáng tạo (Creativeness).