Ở các nước chăn nuôi tiên tiến thì tỷ lệ chết sau cai sữa được khống chế ở mức dưới 10%. Ở một số quốc gia, tỷ lệ chết sau cai sữa lên đến 20%. Nếu giảm được tỷ lệ chết sau cai sữa xuống dưới 10% thì ta sẽ tăng được thêm 2 heo thịt. Lý do của sự chênh lệch năng suất ở đây là do trang thiết bị lạc hậu, phương pháp quản lý nuôi dưỡng còn nhiều thiếu sót. Do trang thiết bị lạc hậu, nên việc thông thoáng khí chuồng trại, giữ ấm không tốt sẽ khiến heo dễ mắc bệnh hô hấp, tỷ lệ heo chết tăng. Heo nuôi với mật độ cao sẽ khiến các bệnh dễ thành mãn tính, năng suất bị sụt giảm.
Vấn đề ở các trại năng suất thấp là số heo con cai sữa thấp và tỷ lệ chết cao. Để cải thiện được tỷ lệ chết sau cai sữa ta cần cải tiến trang thiết bị, tạo môi trường nuôi dưỡng phù hợp để giúp heo phòng ngừa tốt dịch bệnh. Trại cần ghi chép, thu thập, phân tích dữ liệu năng suất. Dựa vào đó ta mới đề ra mục tiêu, thông báo rộng rãi cho toàn bộ nhân viên trại để cùng nhau thực hiện.
Cải tiến môi trường nuôi và trang thiết bị chuồng trại: Thiết bị và môi trường nuôi không phù hợp sẽ khiến heo dễ mắc bệnh, chết heo. Chính vì vậy, môi trường trong chuồng trại phải thích hợp với heo. Những trại có năng suất tốt thường sẽ có trang thiết bị hiện đại. Chuồng được cách nhiệt tốt, quản lý tự động tiểu khí hậu chuồng trại.
Ngăn chặn dịch bệnh lây lan: để ngăn chặn dịch bệnh lây lan cần áp dụng cùng vào cùng ra ở từng giai đoạn nuôi. Sau khi di chuyển heo cần xịt rửa/sát trùng và giữ khô chuồng trại. Cho từng nhóm heo đẻ cùng lúc và cai sữa chung với nhau. Nếu làm tốt được vấn đề này thì sẽ dễ kiểm soát được dịch bệnh.
Sản xuất heo con khỏe mạnh: khi nhập giống heo cao sản mới thì cần có chương trình quản lý phù hợp. Nái phải khỏe mạnh thì heo con mới khỏe mạnh được. Thông qua việc tiêm ngừa và phòng dịch ta sẽ giúp nái hình thành sức miễn dịch, đảm bảo an toàn trước dịch bệnh. Cần cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho nái, những bầy nhiều con thì cần nhanh chóng ghép bầy, sử dụng các chế phẩm thay thế sữa mẹ. heo con sau khi sinh nhanh chóng lau khô, cho bú sữa đầu và để vào khu vực sưởi. Sữa đầu sẽ giúp heo con có sức đề kháng với dịch bệnh nên cần cho heo con uống đủ và nhanh nhất có thể. Nếu chỉ dựa vào sữa mẹ thì heo con không thể lớn nhanh, chính vì vậy cần bổ sung thêm cám tập ăn cho heo con. Cám dễ tiêu hóa, mùi vị thơm sẽ giúp heo con ăn nhiều và mau lớn.
Thực hiện tiêm ngừa và nâng cao an toàn vệ sinh dịch tễ: chích ngừa vắc-xin là biện pháp giúp toàn đàn heo có sức đề kháng lại dịch bệnh. Việc thực hiện vắc-xin sẽ giúp giảm thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Ví dụ như việc thực hiện vắc-xin ngừa PED và TGE sẽ giúp ngăn ngừa các bệnh do tiêu chảy.
Heo thịt nên được tiêm vắc-xin ngừa bệnh hồi tràng, PRRS, viêm màng phổi, viêm teo mũi truyền nhiễm, viêm phổi do Pasteurella. Nên dựa vào kết quả kiểm tra huyết thanh, kiểm tra khi giết mổ và tư vấn của bác sĩ thú y để lên chương trình vắc-xin.
Đưa vào sử dụng chuồng heo bệnh: heo bệnh nếu nuôi nhốt chung với heo thường thì chúng sẽ không ăn đủ cám khiến tình hình bệnh càng trở nên nguy hiểm. Heo bệnh cũng sẽ thải nhiều tác nhân gây bệnh khiến lây lan sang heo khỏe mạnh. Chính vì vậy, heo bệnh sẽ phải được cách ly. Khi heo bệnh được cách ly thì tốc độ lây lan sẽ giảm, khả năng heo bệnh được phục hồi sẽ tăng. Chuồng cách ly heo bệnh nên được giữ ấm đảm bảo cho heo ăn và uống đầy đủ. Sử dụng kháng sinh và thuốc hạ sốt để hạn chế sự phát triển vi khuẩn và hạ thân nhiệt heo. Khi phát hiện ra heo bệnh cần ngay lập tức cách ly và điều trị. Cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng thuốc. Khi sử dụng thuốc cần ghi chép và bảo quản kỹ các thông tin như tên chế phẩm, liều lượng, thời gian điều trị, thời gian ngưng thuốc… Nếu áp dụng tốt biện pháp trên thì tỷ lệ chết heo sẽ giảm, giảm chi phí sử dụng thuốc, giải quyết được vấn đề tồn dư kháng sinh.
Vào đầu những năm 2000 khi chưa có vắc-xin ngừa bệnh do Circovirus thì Tiến sĩ người Pháp F. Madec đã đề ra các quy tắc để giảm thiểu thiệt hại các bệnh do Hội chứng còi cọc sau cai sữa heo con (PMWS) gây ra.
Tập trung quản lý trại đẻ:
Áp dụng triệt để cùng vào cùng ra. Sau mỗi nhóm heo đẻ cần vệ sinh, tiêu độc kỹ.
Heo nái phải tắm rửa sạch, trước khi đẻ phải điều trị hết bệnh và diệt kí sinh trùng.
Chỉ khi thật cần thiết mới ghép bầy và chỉ thực hiện trong vòng 24 tiếng sau sinh.
Tập trung quản lý trại cai sữa:
Thiết kế các tấm vách để tránh tình trạng gió lạnh lùa, chia nhỏ chuồng.
Áp dụng cùng vào cùng ra ở các nhóm heo mới nhập.
Tránh nuôi nhốt với mật độ quá cao (duy trì dưới 3 con/m2 ).
Tăng cường diện tích máng ăn (tối thiểu 7 cm/con).
Duy trì nhiệt độ thích hợp.
Cấm nuôi nhốt chung với heo của nhóm khác.
Tập trung quản lý trại thịt:
Sử dụng vách chia nhỏ chuồng.
Áp dụng cùng vào cùng ra.
Cấm nuôi nhốt chung heo khác nhóm.
Duy trì thông khoáng khí chuồng trại.
Không nuôi với mật độ quá cao (4,5 con/3,3 m2 ).
Tập trung quản lý các vấn đề khác:
Áp dụng chương trình vắc-xin phòng ngừa hiệu quả.
Duy trì tiểu khí hậu chuồng trại thích hợp, phòng tránh stress khi chuyển heo.
Khi thiến hoặc chích heo, phải vệ sinh tiêu độc thật kỹ. Cửa ra vào phải có dụng cụ sát trùng chân.
Nhanh chóng cách ly, điều trị hoặc đào thải heo bệnh
Nguồn: Heo.com.vn