Một trong những yếu tố quan trọng trong việc nâng cao năng suất sinh sản, giảm chi phí sản xuất là nâng cao chỉ số PSY (số con cai sữa/nái/năm). Ngoài việc cải thiện di truyền, kỹ thuật chăn nuôi thì việc bổ sung vitamin cũng giúp nâng cao năng suất sinh sản. Vitamin C giúp nâng cao chất lượng tinh heo đực, giảm tình trạng không mang thai vào mùa nóng.
Nếu bổ sung vitamin D cho heo hậu bị thì sẽ giúp xương heo cứng, tránh tình trạng yếu chân, loãng xương khi nuôi nhốt trong chuồng ép, giảm tình trạng đào thải sớm.
Riboflavin giúp giảm tình trạng không lên giống trên heo hậu bị. Vitamin E giúp tăng số heo con đẻ ra. A-xít folic và biotin giúp tăng tỷ lệ sống sót heo con trong thời kì mang thai của nái.
Nếu nái nuôi con được bổ sung vitamin E thì chúng sẽ truyền vitamin E cho heo con qua sữa mẹ. Heo con được bổ sung vitamin E sẽ linh hoạt, hệ miễn dịch cũng tốt hơn.
Biotin giúp rút ngắn thời gian lên giống lại sau cai sữa, ngoài ra biotin còn giúp giảm các vấn đề về móng và chân heo.
Để cải thiện năng suất sinh sản cho heo, cần áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ. Các biện pháp này bao gồm cải thiện chất lượng di truyền, nâng cao kỹ thuật nuôi dưỡng quản lý, bổ sung dinh dưỡng.
Để chăn nuôi tốt cần hiểu rõ chu kỳ sinh sản của nái. Ngoài ra, cần nắm rõ đặc tính của heo đực, hậu bị, heo con, cũng như cần chú ý tới các vấn đề như độ dày mỡ lưng, tốc độ tăng trọng, số heo con đẻ ra.
Về mặt dinh dưỡng học, vitamin có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất sinh sản. Vitamin giúp cải thiện hiệu quả năng suất, tuổi thọ sinh sản, tăng sức khỏe heo con.
- Heo đực và chất lượng tinh
Việc nuôi heo đực trong trại nái không chỉ phục vụ việc lấy tinh mà chúng còn giúp nái tăng năng suất thông qua kích thích các giác quan như khứu giác, thị giác, thính giác, xúc giác của nái. Việc nuôi nhốt chung nái và heo đực trong trại giúp rút ngắn thời gian lên giống lại sau cai sữa, dễ dự đoán thời gian nái rụng trứng.
Khi đực già đi hoặc bị stress nhiệt thì chất lượng tinh của chúng sẽ giảm xuống. Nếu đực bị stress nhiệt thì nên bổ sung vitamin C để tăng số lượng và chất lượng tinh. Ngoài ra, nên bổ sung vitamin E và selenium vào khẩu phần ăn heo đực sẽ giúp cải thiện chất lượng tinh.
- Lựa chọn heo hậu bị
Việc lựa chọn hậu bị và thời điểm phối (với ngày tuổi và trọng lượng phù hợp) không chỉ ảnh hưởng đến năng suất lứa đầu mà còn ảnh hưởng tới tuổi thọ sinh sản và năng suất các lứa sau.
Để kéo dài tuổi thọ sinh sản cho hậu bị thì bộ khung xương phải phát triển tốt. Bộ khung xương khỏe mạnh thì hậu bị mới khai thác được lâu dài. Để tránh nái bị loãng xương thì cần cho chúng vận động. Với điều kiện nuôi nhốt trong chuồng ép thiếu vận động, vấn đề loãng xương của nái càng thêm trầm trọng, dễ dẫn tới việc đào thải sớm.
Bổ sung 25-hydroxy-vitamin D3 cho nái sẽ giúp chống loãng xương, tăng cường sự cứng cáp của khung xương nái.
- Phối
Sự rụng trứng và thụ tinh: Tùy theo độ tuổi mà nái có thể có từ 15~25 trứng. Số trứng rụng của nái tơ thường ít hơn nái rạ. Heo hậu bị được bổ sung riboflavin trong khẩu phần sẽ giúp giảm tình trạng không lên giống.
Trong trường hợp nái bị stress cấp tính hay mãn tính dẫn đến tình trạng không mang thai vào mùa nóng thì ta nên bổ sung vitamin C.
Bổ sung vitamin E vào khẩu phần ăn của nái sẽ giúp tăng số heo con sinh ra.
Mang thai và sự phát triển của thai nhi: Khoảng 80~90% sự cố về thai nhi xảy ra trong vòng 25 ngày sau khi phối. 10~20% sự cố còn lại xảy ra vào kì cuối mang thai. Có thể, khi thai nhi phát triển quá nhanh chúng cần không gian lớn, nhưng với những nái tơ thì không gian dạng này thường nhỏ, nên dễ dẫn tới sẩy thai.
Vitamin cần thiết cho sự phát triển thai nhi là biotin và a-xít folic. Theo một số nghiên cứu cho thấy, nếu bổ sung biotin vào khẩu phần hậu bị sẽ giúp gia tăng chiều dài sừng tử cung thêm 20%. Nếu không bổ sung các vitamin cần thiết vào khẩu phần ăn của nái sẽ khiến số heo con đẻ ra bị ít đi.
Nếu heo nái bị thiếu vitamin A thì sự phát triển phổi và gan của heo con không tương xứng với các bộ phận cơ thể khác.
- Đẻ và cai sữa
Sữa mẹ và chất dinh dưỡng truyền cho con: Với sự phát triển về di truyền học thì số lượng heo con đẻ ra và tốc độ tăng trọng đã được cải thiện nhiều.
Khi số heo con đẻ ra nhiều, người chăn nuôi cần đảm bảo nái tiết đủ sữa nuôi con. Trong sữa đầu và sữa thường của nái có hàm lượng lớn canxi. Chính vì vậy, để heo con phát triển tốt thì cần bổ sung canxi và vitamin D3 vào khẩu phần nái nuôi con. Chúng ta đều biết vitamin tan trong chất béo không thể truyền qua nhau thai. Chính vì vậy, mọi heo con sinh ra đều ở trong tình trạng thiếu vitamin tan trong chất béo và năng lượng. Ta cần bổ sung năng lượng cho heo con bằng cách nhanh chóng cho bú sữa đầu, rồi sữa thường của nái. Sữa đầu và sữa thường của nái đều có hàm lượng vitamin E cao và chúng dễ dàng truyền qua cho heo con. Heo con nhận được những vitamin cần thiết đều qua sữa mẹ. Ta cần bổ sung vitamin vào khẩu phần nái nuôi con, nếu sữa nái có đầy đủ chất thì heo con sẽ tăng trọng nhanh.
Trước khi cai sữa, nếu heo con nhận đầy đủ vitamin thì chúng sẽ nhanh chóng vượt qua stress khi cai sữa.
Nái lên giống lại sau cai sữa: Biotin giúp nái tăng cường trao đổi chất, giúp rút ngắn thời gian lên giống lại sau cai sữa. Hơn thế nữa, biotin còn hỗ trợ sản xuất estrogen, giúp giảm tình trạng không lên giống hoặc lên giống yếu.
- Tuổi thọ sinh sản của nái
Tuổi thọ sinh sản của nái có ý nghĩa quan trọng trong vấn đề kinh tế của trang trại. Nếu tỷ lệ nái lứa thấp bị đào thải nhiều thì tuổi thọ sinh sản của nái sẽ bị rút ngắn. Khi phân tích nguyên nhân đào thải nái ta thấy có 3 nguyên nhân chính đó là: năng suất kém, nái già và vấn đề chân móng. Các vấn đề trên thường liên quan tới bộ khung xương và thể trạng (Body score – BCS) của nái.
Để khắc phục tình trạng này, cần bổ sung một lượng thích hợp vitamin D3 và canxi trong khẩu phần cho heo hậu bị trước khi nhập vào bầy sinh sản nhằm phát triển khung xương. Biotin giúp giảm các tình trạng tổn thương móng chân trên heo.
Nguồn: heo.com.vn
Theo Pig & Pork