Nội dung
Bệnh do giun tròn Ascaris suum là bệnh ký sinh trùng phổ biến trên heo, đặc biệt là heo con và heo choai. Giun tròn ký sinh ở ruột non, gây giảm hiệu quả chuyển hóa thức ăn, kém tăng trọng, và có thể gây tổn thương nặng nề đến gan, phổi.
1. Nguyên nhân
– Tác nhân gây bệnh: Giun tròn Ascaris suum, một loại giun ký sinh lớn, dài từ 15–40 cm, màu trắng hồng.
– Vòng đời:
+ Trứng giun từ phân heo bị bệnh phát tán ra môi trường, cần 2–4 tuần để phát triển thành trứng có ấu trùng nhiễm (giai đoạn lây nhiễm).
+ Heo ăn phải trứng nhiễm qua thức ăn, nước uống hoặc tiếp xúc với môi trường bẩn.
+ Ấu trùng di chuyển qua gan, phổi, rồi trở về ruột non để phát triển thành giun trưởng thành.
2. Dịch tễ học
– Đối tượng bị ảnh hưởng:
+ Thường gặp ở heo con từ 2–6 tháng tuổi.
+ Heo nuôi tập trung, mật độ cao, điều kiện vệ sinh kém dễ bị nhiễm hơn.
– Đường lây truyền:
+ Qua phân heo chứa trứng giun.
+ Lây lan nhanh trong điều kiện chuồng trại ẩm thấp, ô nhiễm.
3. Triệu chứng lâm sàng
– Triệu chứng phụ thuộc vào giai đoạn phát triển của giun:
+ Giai đoạn ấu trùng (gan, phổi): Ho khan, khó thở, thở khò khè (do tổn thương phổi). Sốt nhẹ, bỏ ăn.
+ Giai đoạn trưởng thành (ruột): Heo gầy yếu, còi cọc, lông xù, da xám. Chướng bụng, tiêu chảy hoặc táo bón xen kẽ. Đôi khi có dấu hiệu tắc ruột, đau bụng, chậm tăng trọng.
4. Bệnh tích
– Gan: Có nhiều điểm trắng hoặc vết sẹo dạng “đốm sữa” do ấu trùng di chuyển, gây tổn thương mô gan.
– Phổi: Xuất huyết, viêm, có dịch trong phổi do ấu trùng xâm nhập.
– Ruột: Ruột non chứa nhiều giun trưởng thành, có thể bị tắc nghẽn hoặc viêm nhiễm.
5. Phòng bệnh
– Quản lý môi trường:
+ Dọn phân heo thường xuyên để giảm nguồn lây nhiễm.
+ Sát trùng chuồng trại định kỳ bằng các sản phẩm như DESINFECT 0, KLORTABS.
+ Đảm bảo thức ăn, nước uống sạch sẽ, không nhiễm trứng giun.
– Chương trình tẩy giun định kỳ:
+ Tẩy giun lần đầu khi heo được 6–8 tuần tuổi, sau đó lặp lại mỗi 2–3 tháng.
+ Sử dụng các thuốc tẩy giun hiệu quả như Levamisole, Ivermectin, hoặc Fenbendazole.
– Kiểm soát nguồn lây nhiễm:
+ Không nuôi heo mới cùng chuồng với heo cũ mà không tẩy giun.
+ Quản lý phân bón cẩn thận, tránh để heo tiếp xúc trực tiếp với đất bẩn.
6. Điều trị bệnh
– Thuốc tẩy giun:
+ IVERTIN(Ivermectin): Hiệu quả với cả ấu trùng và giun trưởng thành. Liều 1 ml Ivertin/33 kg TT, tiêm bắp vùng sau tai
+ CLOSALBEN( Closantel: 5%, Albendazol: 5%)
+ GENDAZEL(Albendazol)
– Hỗ trợ điều trị:
+ Bổ sung vitamin, chất điện giải để tăng sức đề kháng: VITROLYTE, T.C.K.C, SUPER C 100, SUPER K 100
+ Sử dụng kháng sinh để phòng nhiễm trùng thứ cấp do tổn thương gan, phổi: NASHER DOX 1g/5-10L nước uống, MOXCOLIS 1 g/10kg TT