Ngựa nội hay ngựa nội địa, ngựa địa phương (hay ngựa Việt/ngựa Việt Nam) là tên thường dùng để chỉ về những giống ngựa nội địa tại Việt Nam gồm những giống ngựa thuần chủng ở địa phương hoặc giống ngựa lai tạo. Ngựa nội được phổ biến ở các vùng đồi núi trung du phía Bắc Việt Nam. Ngựa nội thường là loại kiêm dụng, dùng vào việc thồ, kéo, cưỡi đặc biệt thường được dùng cho việc thồ hàng ở những vùng cao, tuy nhiên ở một số nơi khác, ngựa nội đôi khi dùng vào mục đích đua ngựa hoặc chọi ngựaGiống ngựa nội thích hợp với điều kiện nuôi dưỡng của người chăn nuôi trong tất cả các địa phương ở Việt Nam.
Giống ngựa Việt Nam được cho là đã được nhập từ phương Bắc xuống. Nhìn chung đàn ngựa Việt Nam là các giống ngựa địa phương thuần chủng trừ một số rất ít ngựa gần các trại hoặc trạm truyền giống hồi thuộc Pháp có lai với ngựa Ả rập và một số ít ngựa ở các tỉnh biên giới Việt Nam, Trung Quốc có pha tạp ngựa Quảng Tây, ngựa Vân Nam. Người ta đã chọn lọc hình thành giống ngựa Việt Nam nuôi nhiều ở các tỉnh: Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, nuôi với số lượng ít hơn nhưng vẫn cần ở các tỉnh Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hoà Bình, Bắc Giang… tuy nhiên giống ngựa của địa phương có tầm vóc nhỏ, trọng lượng thấp, khả năng thồ yếu cùng với điều kiện chăm sóc quảng canh nên đàn ngựa của địa phương trong thời gian qua có hiện tượng suy thoái.
Ngựa nội có tầm vóc và vóc dáng thấp nhỏ, chúng chỉ cao chừng 1,5m, bề cao vai khoảng 1,2m, ngựa trưởng thành có trọng lượng 150-170kg, con đực lớn hơn con cái một chút. Ngoài việc tầm vóc nhỏ, thì ngựa Việt có kết cấu chưa cân đối, đầu hơi to, cổ hơi nằm ngang, ngực hơi lép, bụng to, đùi chưa phát triển, thế dứng của 2 chân chưa tốt nhất là chân sau. Ngựa đực và ngựa cái đều trước thấp sau cao. Thân hình ngựa Việt có hình dạng hình chữ nhật, chiều dài và chiều rộng xấp xỉ nhau, Bụng, mông, vai phình ra, lưng hơi võng, chân nhỏ. Bàn chân ngựa Việt thẳng, cao, cẳng chân rất nhỏ, nhưng cứng. Mặc dù vậy xương thịt gân cốt kết cấu vững chắc, thể chất thô, săn.
Giống ngựa Việt Nam tầm vóc nhỏ, nếu chạy nhanh cũng chỉ khoảng 25–28 km/giờ, kém xa so với tốc độ ngựa đua trên thế giới, tuy nhiên ngựa nội dai sức hơn một số giống ngựa nước ngoài, chịu kham khổ. Chúng có sức đề kháng cao, tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ chết vì bệnh thấp, sức khỏe dẻo dai, chịu được ăn uống kham khổ, không hề bị lở mồm long móng hay các dịch bệnh khác, chỉ thỉnh thoảng bị đau bụng nhưng thường là tự hết. Tỷ lệ đẻ thấp. 2 năm 1 lứa chiếm 41% 3 năm 2 lứa 31% còn lại là 2 năm rưỡi 1 lứa, trên 3 năm 1 lứa.[6] Vòng đời của ngựa đến 40 năm
Ngựa Bắc Hà không to, cao, thậm chí còn thô kệch nhưng bền bỉ, dai sức, thồ hàng hay kéo xe đều hay. Nhìn chung, so với tầm vóc, thể trọng thì ngựa Việt Nam có khả năng thồ hàng tốt trên những đoạn đường nhỏ, dốc, gập ghềnh, chịu đi qua suối, leo đèo, chịu đi bất kể thời tiết nào. Mặc dù vậy, do tầm vóc nhỏ, nên lượng hàng thồ được chưa cao. Ngựa cái hiền lành, tận tụy, nên dù thồ yếu hơn (khoảng 120 kg) vẫn được nhiều người chuộng nuôi. Ngựa đực, dù sức thồ mạnh hơn, dẻo dai hơn ngựa cái (khoảng 150 kg) nhưng khó điều khiển hơn. Nuôi ngựa nhàn hơn các loại gia súc khác. Chúng ăn uống đơn giản, chỉ cần có cỏ tươi, nước bột gạo hoặc nước mật đường.
Màu sắc lông của ngựa Việt khá đa dạng, các màu chủ yếu là vàng , vàng nhạt, vàng thẫm, hồng, tía, xám, nâu, đen, lang đen. Lông bờm, lông đuôi và tứ chi thường có màu đen hoặc là màu thẫm hơn màu lông ở trên thân. Lông thay đổi màu sắc theo thời tiết để thích hợp với ngoại cảnh. Mùa hè lông ngựa ngắn và bóng mượt, mùa đông lông dài và thô. Ở Việt Nam, ngựa Việt thường để bờm trán rất dài, bờm dọc cổ ngựa thì xén ngắn, chót lưng lại để dài, để mấy sợi lông lòa xòa trước trán, đỉnh đầu húi cua, sau gáy lại để dài như bờm, con ngựa đẹp, bờm phải dày rậm, chân bờm phẳng đều tăm tắp, mọc đều thẳng đứng trên cổ ngựa như một cái bàn chải.
Thông tin liên hệ
Hỗ trợ kỹ thuật: 0934 555 238 Email: thuytoancau.kythuat@gmail.com
Hỗ trợ kinh doanh: 0934 555 238 Email: thuytoancau.sales@gmail.com
Hỗ trợ chăm sóc: 0934 518 238 Email: thuytoancau.vanphong@gmail.com