Trường Đại học Trà Vinh được hình thành và phát triển từ Trường Cao đẳng Cộng đồng Trà Vinh. Sau 5 năm triển khai thành công Dự án Cao đẳng Cộng đồng Việt Nam – Canada do chính phủ Canada và Chính phủ Việt Nam đồng tài trợ, cùng với nhu cầu cấp thiết về phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh nhà cũng như nhu cầu về nguồn nhân lực thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, Trường Đại học Trà Vinh được chính thức thành lập theo Quyết định 141/QĐ/2006-TTg ngày 19/6/2006 của Thủ tướng chính phủ và trở thành một trong những trường đại học CÔNG LẬP trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Trường vừa là thành viên hiệp hội quốc tế đại học, cao đẳng Canada vừa là thành viên của tổ chức CDIO, top 200 trên thế giới là Đại học phát triển bền vững, cũng như đã tiếp cận kiểm định theo tiêu chuẩn mới của Bộ GD & ĐT, kiểm định FIBAA, AUN, ABET,…
Trường đã và đang hoạt động theo mô hình đa cấp, đa ngành, đa phương thức đào tạo từ bậc cao đẳng, đại học, sau đại học, với nhiệm vụ đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có tay nghề cao, nghiên cứu khoa học và ứng dụng; cung cấp các dịch vụ góp phần vào sự nghiệp phát triển giáo dục, kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh Trà Vinh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng cũng như cả nước nói chung.
Ngày 13/04/2017 – Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Trà Vinh, với mục tiêu của đề án là phát triển Trường Đại học Trà Vinh thành trường đại học định hướng ứng dụng theo các chuẩn mực khu vực và quốc tế; hoạt động tự chủ gắn với trách nhiệm bảo đảm các đối tượng chính sách, đối tượng thuộc hộ nghèo có cơ hội học tập, nghiên cứu tại Trường.
1. Tầm nhìn
Là trường đại học định hướng ứng dụng điển hình xuất sắc và đặc thù.
2. Sứ mệnh
Trường Đại học Trà Vinh đào tạo đa ngành, đa cấp, liên thông, đáp ứng đa dạng nhu cầu của người học; nghiên cứu khoa học; phát triển ứng dụng, chuyển giao công nghệ, phục vụ xã hội; góp phần quan trọng làm tăng cơ hội việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và cả nước.
3. Giá trị cốt lõi
Tận tâm – Minh bạch – Sáng tạo – Thân thiện
4. Triết lý giáo dục
“Trên cơ sở năng lực được đào tạo phù hợp thực tế, có đạo đức, có trách nhiệm, người học sẽ phát triển cá nhân và xã hội tốt hơn”
Trường Đại học Trà Vinh tin rằng giáo dục và đào tạo là nền tảng của xã hội, kết quả của giáo dục và đào tạo không chỉ làm phát triển cá nhân, hướng tới cuộc sống tốt hơn mà còn thúc đẩy sự phát triển của toàn xã hội. Chương trình đào tạo của Trường được thiết kế và phát triển theo hướng đào tạo năng lực cho người học với khối lượng kiến thức, kỹ năng và thái độ được tham vấn từ các bên liên quan (gồm doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng, người lành nghề, các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên, …) nhằm đảm bảo người học được trang bị năng lực phù hợp thực tế để tham gia vào lực lượng lao động của xã hội. Nhà trường tin rằng việc xây dựng hệ thống giảng dạy và học tập trên cơ sở Người học là trung tâm (Student – Centered) sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học hoạch định kế hoạch học tập phù hợp để phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình cũng như thúc đẩy quá trình tự rèn luyện và tinh thần trách nhiệm với việc học tập của bản thân, qua đó hình thành nhận thức và khả năng học tập suốt đời. Trường Đại học Trà Vinh xác định việc đào tạo kỹ năng cho người học theo định hướng như sau: Năng lực của người học sẽ dần được hình thành thông qua việc học tập và rèn luyện kỹ năng chuyên môn với hệ thống thực hành, thí nghiệm tại phòng thí nghiệm, các trạm, trại thực hành; cùng quá trình thực tập thực tế tại các doanh nghiệp, cơ quan đơn vị theo mô hình kết hợp đào tạo (CO-OP). Bên cạnh đó, để thúc đẩy nâng cao năng lực học tập của người học một cách tích cực, Trường tạo mọi điều kiện thuận lợi từ sự hỗ trợ của giảng viên đến sự hỗ trợ kinh phí để người học chủ động thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học theo chuyên ngành được đào tạo; tiếp cận các vấn đề thực tế của xã hội, sự phát triển của khoa học, công nghệ, các thách thức của thời đại, … và tham gia các hoạt động phục vụ cộng đồng. Bên cạnh phát triển kỹ năng chuyên môn, việc rèn luyện kỹ năng hỗ trợ, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm với xã hội có vai trò rất quan trọng. Trường Đại học Trà Vinh tin rằng: đây chính là công cụ thiết yếu giúp người học tương tác với xã hội, triển khai áp dụng kiến thức, kỹ năng chuyên môn vào hoạt động nghề nghiệp. Do đó, nhóm các kỹ năng hỗ trợ, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm với xã hội được thiết kế tích hợp vào chương trình đào tạo của Nhà trường.
5. Chương trình đào tạo
Đại học Trà Vinh là trường đại học CÔNG LẬP, thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép TUYỂN SINH TRÊN TOÀN QUỐC với 39 ngành bậc sau đại học, 55 ngành bậc đại học và 01 ngành bậc cao đẳng, tập trung ở các nhóm ngành như: Nông nghiệp – Thủy sản, Kỹ thuật & Công nghệ, Y – Dược, Ngoại ngữ, Ngôn ngữ – Văn hóa – Nghệ thuật Khmer Nam Bộ, Kinh tế – Luật, Hóa học Ứng dụng, Sư phạm, Quản lí Nhà nước Quản trị Văn phòng, Lý luận Chính trị, Khoa học Cơ bản, Răng Hàm Mặt, Dự bị Đại học.
6. Tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực
Nhà trường hiện có 13 khoa: Nông nghiệp – Thủy sản, Kỹ thuật và Công nghệ, Y – Dược, Kinh tế – Luật, Ngoại ngữ, Hóa học ứng dụng, Khoa học cơ bản, Sư phạm, Ngôn ngữ – Văn hóa – Nghệ thuật Khmer Nam Bộ, Quản lí Nhà nước Quản trị văn phòng, Lý luận chính trị, Dự bị đại học, Răng – Hàm – Mặt. Trường có 12 phòng, 03 ban chức năng, 03 hội đồng, 11 trung tâm và một số đơn vị trực thuộc khác như: Viện Phát triển nguồn lực, Trường Thực hành Sư phạm, Tạp chí Khoa học, Thư viện, Ký túc xá (4300 chỗ). Trường có 03 khu, cơ sở chính của Trường là khu I tọa lạc tại địa chỉ số 126, Nguyễn Thiện Thành, phường 5, thành phố Trà Vinh. Ngoài ra, Trường còn có 02 chi nhánh đặt tại huyện Duyên Hải và Cầu Ngang.
Với tổng diện tích gần 53 ha, Đại học Trà Vinh gồm các công trình: khối các phòng, khoa, viện, trung tâm, Trường Thực hành Sư phạm, Ký túc xá, Thư viện, Giảng đường, Khu thực hành – thí nghiệm, nhà học…, đã được lãnh đạo trung ương cùng với lãnh đạo địa phương chủ trương phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng, một số đã hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng cùng với việc mua sắm trang thiết bị đồng bộ và một số công trình đang được xúc tiến. Nhìn chung, cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản đã đáp ứng tốt được yêu cầu cho công tác đào tạo của nhà trường.
Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức tham gia công tác đào tạo từ năm 2006 là 369 người. Đến nay, đội ngũ đã tăng lên hơn 1000 người. Với tinh thần đoàn kết, nhiệt huyết và năng động, tập thể cán bộ giảng viên vừa tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học vừa tăng cường học tập nâng cao trình độ tại các cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế và hiện tại Trường đã đáp ứng yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo về năng lực đào tạo của nhà trường.
7. Nghiên cứu khoa học
Công tác nghiên cứu khoa học được nhà trường đặc biệt chú trọng. Trong 5 năm trở lại đây, công tác nghiên cứu khoa học chuyển biến tích cực, Trường đã triển khai thực hiện gần 100 đề tài ở các cấp thuộc các lĩnh vực nghiên cứu. Trong đó, có một số đề tài ứng dụng được chuyển giao khoa học công nghệ vào thực tiễn, tiêu biểu như: Mô hình sản xuất lúa chuẩn VietGap, mô hình Nuôi cấy phôi dừa sáp, mô hình sản xuất rau an toàn, mô hình sinh viên trồng dưa tự quản, mô hình trồng nấm bào ngư, mô hình nuôi cua biển tại Duyên Hải…, đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế nhất định trong sản xuất trên địa bàn Tỉnh. Có hàng trăm bài báo khoa học của cán bộ giảng viên đăng trên các tạp chí trong nước và quốc tế. Từ năm 2011, Trường được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép xuất bản Tạp chí khoa học với chỉ số ISSN:1859-4816. Đến nay, Tạp chí khoa học của Trường đã được Hội đồng Chức danh giáo sư ngành công nhận là một trong những tạp chí khoa học được tính điểm công trình cho ngành Văn hóa học và Văn học.
8. Hợp tác quốc tế
Trên cơ sở kế thừa thành quả từ Dự án Cao đẳng Cộng đồng Việt Nam – Canada, cùng với định hướng phát triển đào tạo theo xu thế hội nhập quốc tế, xác định hợp tác quốc tế là một trong những nhiệm vụ chiến lược phát triển của nhà trường, nhà trường chủ động, tích cực trong việc thiết lập các mối quan hệ và đã chính thức ký kết, giao lưu hợp tác với gần 100 đối tác nước ngoài thuộc 18 quốc gia trên thế giới, hợp tác ở các lĩnh vực cụ thể như: Liên kết đào tạo; nghiên cứu khoa học, tổ chức diễn đàn, hội thảo khoa học; tiếp nhận và đưa giảng viên, sinh viên học tập, nghiên cứu; tiếp nhận tình nguyện viên; tiếp nhận các dự án tài trợ từ một số tổ chức giáo dục quốc tế.