Nội dung
Mùa đông là thời điểm đầy thách thức đối với chăn nuôi gà. Nhiệt độ thấp, độ ẩm cao và sự thay đổi của thời tiết có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất của đàn gà. Để đảm bảo gà luôn khỏe mạnh và phát triển tốt trong mùa đông, người nuôi cần áp dụng kỹ thuật chăm sóc hợp lý.
1. Cung cấp chuồng trại ấm áp
Chuồng nuôi cần được tu sửa, che chắn để đảm bảo kín gió. Lỗ thông gió nên đặt ở tầm vừa phải, không nên thấp quá để tránh gió lùa vào gà sẽ rất dễ bị ốm. Chuồng nuôi nên được ngăn ra làm từng ô nhỏ để thuận tiện cho việc sưởi ấm, tránh để gà trong diện tích lớn sẽ gây khó khăn trong việc sưởi ấm, giữ ấm cho gà. Chuồng úm gà con nên bố trí ở đầu hướng gió, cách ly xa chuồng gà trưởng thành để tránh lây lan bệnh từ gà lớn sang gà con. Nơi nuôi gà con phải đảm bảo khô ráo, tránh mưa tạt, gió lùa, tránh chó, mèo, chuột,… gây hại gà con.
Nếu nuôi nhiều với diện tích lớn, cần chủ động giữ ấm cho đàn gà trong ngày đông giá rét, đảm bảo sức khỏe để đàn gà phát triển tốt nhất. Có thể lắp đặt hệ thống sưởi ấm bằng đèn gas, tỏa nhiệt lớn với diện tích rộng, tiết kiệm chi phí hơn so với các biện pháp sưởi ấm khác.
Chuồng nuôi cần đảm bảo giữ ấm cho vật nuôi. Ảnh: ST
2. Điều chỉnh chế độ ăn uống
Cho gà ăn đầy đủ khẩu phần các loại cám có chất lượng tốt và ổn định, cho uống thêm B-Complex giúp cho gà khỏe mạnh tăng sức đề kháng.
Ðảm bảo thức ăn đủ chất dinh dưỡng, phù hợp với từng lứa tuổi của gà. Cho ăn thức ăn chất lượng tốt, không thiu mốc, không nhiễm độc tố. Bố trí khẩu phần ăn giàu năng lượng bằng những thực phẩm giàu tinh bột. Chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa trong ngày để gà không bị đói. Cho uống đủ nước sạch, ấm. Vào mùa đông phải tăng lượng thức ăn, tăng dinh dưỡng. Ngoài việc thêm vào khẩu phần ăn 10 – 20% lượng thức ăn thông thường, người nuôi cần cung cấp đủ nước uống sạch. Ðồng thời, bổ sung vào nước một số chất khoáng, B-Complex, Vitamin C, B1,… có tác dụng tăng khả năng hấp thu thức ăn và tăng sức đề kháng cho gà.
3. Giữ vệ sinh chuồng trại
Vệ sinh chuồng trại là yếu tố quan trọng không chỉ giúp gà khỏe mạnh mà còn tránh được nhiều bệnh tật trong mùa đông như:
Thường xuyên dọn dẹp phân gà và thức ăn thừa để tránh vi khuẩn và nấm mốc phát triển.
Định kỳ khử trùng chuồng nuôi bằng các loại dung dịch an toàn, giúp tiêu diệt vi khuẩn và virus gây bệnh.
4. Quan tâm đến sức khỏe gà
Vào mùa đông, gà có thể dễ bị nhiễm bệnh hơn. Do đó, cần đặc biệt chú ý đến sức khỏe của chúng. Những ngày giá lạnh cần thả gà muộn, nhốt sớm. Duy trì nhiệt độ chuồng nuôi ổn định, nhốt theo nhu cầu sinh lý ngày tuổi, tháng tuổi của gà. Giữ cho chuồng luôn khô sạch, vệ sinh chuồng trại định kỳ bằng các loại thuốc sát trùng có hiệu quả dài ngày (loại thuốc có thành phần I-ot như Han Iodine 10%, khoảng 7 – 10 ngày phun/lần sau khi dọn chất độn chuồng).
Xông quả bồ kết định kỳ 5 – 7 ngày/lần, làm mũi gà thông thoáng, phòng hiệu quả các bệnh về đường hô hấp. Tiêu diệt virus cúm, giúp gà khỏe mạnh chống lại bệnh. Khoảng 2 – 3 ngày cho gà uống nước tỏi pha loãng một lần, đập dập 2 – 3 củ tỏi sống, để trong không khí 15 – 20 phút sau đem hòa với 10 – 15 lít nước đem cho gà uống, bã tỏi rải quanh chuồng cho gà ngửi mùi. Các chất kháng sinh thực vật có trong tỏi tiêu diệt mạnh virus cúm gia cầm.
Tiêm phòng: Ngoài vaccine cúm gia cầm tiêm theo sự hỗ trợ của nhà nước cần tiêm phòng định kỳ, đầy đủ các loại vaccine thông thường như: Marek gà; Gumboro; đậu gà; tả gia cầm; tụ huyết trùng gia cầm theo lịch của cơ quan thú y địa phương, giúp cho gà miễn dịch với các bệnh này.
Kiểm tra sức khỏe: Thường xuyên theo dõi sức khỏe của gà, kiểm tra dấu hiệu của bệnh như: không ăn uống, lười hoạt động, hay có biểu hiện bất thường.
5. Theo dõi thời tiết
Việc theo dõi thời tiết rất quan trọng trong việc chăm sóc gà vào mùa đông. Hãy thường xuyên cập nhật thông tin thời tiết để có những điều chỉnh kịp thời trong việc chăm sóc:
Dự đoán nhiệt độ: Nếu dự đoán có đợt lạnh mạnh, hãy chuẩn bị thêm các biện pháp giữ ấm cho gà.
Chuẩn bị ứng phó: Trong trường hợp thời tiết xấu, hãy có kế hoạch để bảo vệ chuồng trại và đàn gà.